MT CHÚT TRO THAN

CA ĐÁ VÀNG

Dương Uyn Châu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đọc thơ: "Đêm qua trường cũ đã bị đập bỏ" của Trần Hoan Trinh 
 Bài thơ:        

Tim tưởng chừng như muốn hóa băng
Khi nhìn trường cũ chỉ trơ sân
Hành lang, lớp học san bằng cả 
Lạnh lẽo phơi mình dưới ánh trăng!

Chết điếng lòng đi theo nỗi buồn
Ta nằm trên nền cát đẫm sương
Nghe từ lòng đất từng hơi thở
Của học trò xưa thuở mến thương!
 
Có tiếng thì thầm của thiên thu
Trong từng hơi gió động âm u
Nghe chừng hoa cỏ đang trăn trở
Tiếc một tình yêu đã mịt mù!
 
Từ cõi u minh xót nát tan
Hồn ai sống dậy dưới trăng tàn
Nhặt từng viên sỏi mong tìm kiếm
Một chút tro than của đá vàng!
 
Vẫn biết thế gian vốn đổi thay
Nhưng sao lòng thấy quá đắng cay
Ai ngờ lại phải tang thương vậy
Bạc bẽo, vong ơn đến thế này!
 
Trường cũ trò xưa mất hết rồi
Còn ta với nỗi nhớ khôn vơi
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi!

Có người gọi thơ Trần Hoan Trinh là thơ tình bên cửa lớp, đấy là một ẩn dụ rất thi vị, bao quát được nhiều đề tài, chủ đề, cung bậc cảm xúc của nhà thơ. Với tôi, tôi lại thích gọi Trần Hoan Trinh là nhà thơ học đường hơn. Sở dĩ tôi gọi như thế vì Trần Hoan Trinh là một người thầy làm thơ, cái tôi trữ tình trong thơ có sự gài lồng giữa người sư phạm và người thơ. Trần Hoan Trinh là nhà thơ học đường, bởi cảm xúc chủ đạo chảy dọc chiều dài 50 năm thơ của nhà thơ là những gì yêu thương diễn ra dưới một mái trường. Và tôi nghĩ chỉ có thể gọi như thế mới chạm đến, mới làm sống dậy điệu hồn của thơ tác giả. Nhất khi tôi được tiếp xúc với bài thơ “Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” - một bài thơ nghi ngút nỗi hoài tiếc về một mái trường - thì niềm xác tín về tên gọi ấy càng mạnh mẽ hơn.

Trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ, cảm xúc về mái trường có vẻ đậm sâu hơn cả. Hồn thơ của nhà thơ luôn đi về trong không gian thân thuộc nhất: học đường. Ở đấy nhà thơ yêu thương và được yêu thương bởi những đồng nghiệp và học trò của mình. Ngay cả với cây sao ở sân trường ấy cũng trở thành tri kỉ của nhà thơ. Tình cảm đó đã chuyển hóa thành thơ, thành tiếng nói trữ tình trong thơ. Cho nên, đọc thơ Trần Hoan Trinh, tôi cho đấy không chỉ là chuyện câu chữ mà là tâm tình, tình yêu, đạo đức, nhân cách của một người thầy chân chính trong thơ và ngoài đời. Đấy là người thầy mà suốt đời chỉ gắn bó với một mái trường trong suốt 40 năm - trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

Ta đến khi tóc xanh

 ta về khi tóc bạc

 

Ta đến hồn như trăng

 Ta về lòng như suối

 Cây sao già trên sân

 Người thua ta một tuổi.

                       (Bỏ trường mà đi).

Không những thế, người thầy ấy đã một lần chọn lựa để mãi mãi say với phấn trắng bảng đen. Phấn trắng bảng đen do đó mà đã trở thành sự sống, trở thành tâm hồn của nhà thơ - người thầy:

Nghề nghiệp ấy đã một lần lựa chọn

 Chỉ một lần xin trọn kiếp đắm say

                                                     (Cúi đầu)

 Thơ cũng vì thế mà phập phồng hơi thở tình nghĩa, và là khúc hát ân tình với trường cũ trò xưa:

Ta đến hai tay không

 Ta về hai tay trắng

Chẳng có gì mang theo

 Ngoài chút tình nghĩa nặng ……

 

 Ta một đời chôn chân

Sân trường và lớp học

 Như một gã tình si

 Quên cả ngày tóc bạc

                                 (Tự khúc)

 Thơ nén đọng mà ngân vang tình cảm của một người yêu ngôi trường mình giảng dạy, yêu học trò mình, trân quý đồng nghiệp mình trong suốt hành trình đời và hành trình thơ. Hiểu như thế mới thấy bài thơ “Đêm qua trường cũ bị đập bỏ” là một sự nối mạch tự nhiên của tâm tình nhà thơ. Dẫu rằng giọng điệu thơ có đảo cung, nghịch phách thì vẫn là một tình cảm xuất phát từ “hồn như trăng” và “lòng như suối” của nhà thơ mà thôi. Bài thơ là sự òa vỡ cảm xúc chân thành của một hồn thơ hẫng hụt trước một thực tại tan vỡ, bị xô đẩy bởi kỉ niệm đong đầy trong suốt 40 năm mà trào dâng thành thơ, thành niềm đau mang màu sắc thế sự.

Đọc bài thơ, người đọc không khỏi ngạc nhiên trước nhan đề của nó. Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” có gì là thơ? Đấy chỉ là một nhan đề đậm màu tự sự, giọng điệu hững hờ, thậm chí có vẻ trung tính về sắc thái biểu cảm nữa. Điều này chẳng có gì phải bàn. Nhưng nếu đặt nó vào trong chỉnh thể bài thơ mới thấy, nhan đề có sự đọng lắng một niềm riêng dấu kín, hay đấy là một sự trá hình của tâm trạng xót xa. Tại sao vậy? Thì cứ nhìn vào thời gian nghệ thuật và hành động thơ trong nhan đề là rõ. “Đêm” khuất lấp tất cả, vậy mà trong con mắt nhà thơ tất cả hiển hiện. “Đi qua” dù là một hành động của sự tình cờ hay ý thức thì cũng chỉ là thoáng chốc gặp và thấy, không thể để lại một ấn tượng  nào; vậy mà trong tâm hồn nhà thơ bao nhiêu màu sắc tâm trạng cứ quấy đão đến xốn xang. Đêm lại thấy rõ hơn ngày. Cái thấy kia không được soi tỏ bởi ánh mặt trời mà bằng ánh sáng của tình cảm yêu thương. Vả lại, sao lại không qua trường cũ dưới ánh ngày? Hình như con người tri kỉ với mái trường kia sợ thực tại, sợ gạch đá ngổn ngang nơi trường cũ bị đập bỏ ấy cứa cắt lòng mình!

Chỉ nhan đề đã gợi lên biết bao xúc cảm tâm tình. Và tâm tình ấy đẩy ta đến với bài thơ mà não lòng cùng tác giả. Không não lòng sao được khi bài thơ đưa ta vào một không gian âm lạnh: “…Trường cũ trơ chỉ sân - Hành lang, lớp học san bằng cả – Lạnh lẽo phơi mình dưới ánh trăng”. Trăng vốn đẹp, có sức hút hồn người, vậy mà bây giờ trăng đem ánh sáng lạnh lẽo mà tưới tẩm lên cả tạo vật, khiến tạo vật vô hồn như đang run lên, “run như run thần tử thấy long nhan”. Thực ra, trăng nào có tội tình gì, mà chỉ do tình đau nên thơ đau thế thôi. Chỉ với hai khổ đầu ta đã cảm nhận được tình điệu, cái nhìn trữ tình này. Cái nhìn ngôi trường cũ bị đập bỏ đâu từ con mắt vật lí mà bằng con mắt tâm lí, đó là con mắt của một trái “Tim tưởng chừng như muốn hóa băng”, của một cõi tình “Chết điếng lòng đi theo nỗi buồn”. Hai khổ thơ mở đầu bằng hai hình ảnh tưởng như có sự tắc nghẽn hơi thở của một tâm hồn đông cứng và tái tê trước một hiện thực phũ phàng. Nhưng hồn thơ ấy vẫn cố động cựa để tìm lại chút âm xưa. Từ “nhìn trường cũ” đến “nằm trên cát đẫm sương” để được:
 Nghe từ lòng đất từng hơi thở
 Của học trò xưa thuở mến thương!
Những động từ ngoại động “nhìn, nằm, nghe” như ghi lại những hoạt động hướng ngoại của hồn thơ thiết tha, mong tìm lại cái “thuở mến thương”, để ở đấy như được sống với  “từng hơi thở” “của học trò xưa” vọng lên từ “lòng đất” sân trường mến yêu. Ý da diết nên thơ cũng nghẹn ngào. Thơ nghẹn ngào nên nhạc thơ không thể hài hòa thanh điệu. Hai câu thơ:
Chết điếng lòng đi theo nỗi buồn
Ta nằm trên nền cát đẫm sương
hoàn toàn phá vỡ luật bằng trắc, quy luật hài hòa thanh điệu của thơ bảy tiếng. Hai câu thơ vì thế mà khúc mắc trong giọng điệu nên diễn tả trọn vẹn sự tức nghẹn trong tâm hồn của nhà thơ. Đọc những dòng thơ này, tôi bỗng nhớ đến những  tâm tình mà nhà thơ phổ vào trong bài “Chiều đi qua trường”. Bài thơ là nỗi nhớ học trò xưa, đúng hơn là tấm lòng yêu thương của học trò không phôi pha theo năm tháng của người thầy:
Chiều đi qua trường xưa
Gọi tên từng học trò
Như gọi từng nỗi nhớ
Như gọi từng ước mơ.
Và đối với người thầy thi sĩ này, học trò thậm chí như là một phương thuốc “hồi sinh” nữa

-        Thưa thầy còn nhớ con không ?                       
 Chiều nay em như cơn mưa giông
 Tưới mát tâm hồn thầy nứt nẻ
 Người học trò rất xa thuở trẻ
 Gặp hôm nay bỗng thấy rất gần
 Lòng thầy già như được hồi sinh
 (Thưa thầy còn nhớ con không)
Hiểu như thế mới đồng cảm với nhà thơ khi “Nghe từ lòng đất từng hơi thở – Của học trò xưa thuở mến thương!”.

Nếu hai khổ đầu là tâm trạng trước thực tại đổ vỡ thì khổ 3 và 4 tâm hồn nhà thơ như đắm chìm vào cõi mơ, thậm chí cõi “u minh” nữa để xót xa kiếm tìm những gì yêu thương xưa cũ sau đổ vỡ đó, bây giờ đã tan ch́m vào qúa vãng không một vang bóng, một âm hao nào. Tâm hồn nhà thơ như náu vào trong tạo vật vũ trụ,  nương theo sự sống mơ hồ của chúng mà tim kiếm kỉ niệm của một thuở phấn trắng bảng đen:

-        Có tiếng thì thầm của thiên thu
Trong từng hơi gió động âm u
Nghe chừng hoa cỏ đang trăn trở
 Tiếc một tình yêu đã mịt mù
Nhưng nào có gì đâu, tất cả chỉ là hư vọng, tất cả đang trỗi lên một nỗi niềm: “Tiếc một tình yêu đã mịt mù”. Cái hay của khổ thơ là giọng thơ như vọng về xa xăm, không gian thơ như mờ mịt, cái tôi trữ tình như từ cõi mơ, cõi thinh không mà buông ra tiếng thở dài thõng thượt qua các từ láy cùng trường nghĩa: “Thì thầm, âm u, mịt mù”. Không chỉ cùng cỏ hoa trăn trở, nhà thơ như “hồn ai” từ cõi u minh mà xa xót cho sự nát tan đang phơi mình dưới ánh trăng tàn. Chủ thể trữ tình đã có sự hóa thân từ “ta” thành “hồn ai” đang đau đớn nhặt từng hòn sỏi trên sân trường, mong tìm lại “một chút tro than của đá vàng!”. Đọc câu thơ này tôi như rơi vào trạng thái băn khoăn, nên cảm hay phân tích? Có lẽ chỉ cảm thôi, sợ phân tích sẽ làm bay biến mất “tro than của đá vàng” tình nghĩa của một người thầy đối với mái trường. Và như thế sẽ vô tình làm “chết điếng lòng” nhà thơ hơn!

Từ cõi “u minh” hay u tình, ở khổ 5 và 6, nhà thơ quay về với thực tại, lắng nghe lí lẽ lên tiếng:
Vẫn biết thế gian vốn đổi thay
Câu thơ rất tỉnh, nhưng tỉnh để rồi đau. Là một người thầy dạy toán làm thơ, cái tư duy luận lí nói lên cái quy luật biến thường, vận động và phát triển của cuộc đời. Cuộc sống luôn hành trình về phía trước, trong quá trình phát triển của nó, cái cũ sẽ được thay thế bằng cái mới là một tất yếu. Vẫn biết trường cũ đã có trường mới thay thế, nhưng lí trí không thắng nổi tình cảm, nên thơ thành đối lập giữa lí và tình: “Nhưng sao lòng thấy quá đắng cay”. Từ chiêm nghiệm, tâm hồn nhà thơ lại đối diện với sự thật “tang thương”:
Trường cũ trò xưa mất hết rồi
Còn ta với nỗi nhớ khôn nguôi
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi!
Những khổ thơ trên là sự kiếm tìm, nhưng tìm mà chẳng bao giờ gặp, nên khổ thơ này nhà thơ rơi vào trạng thái cô đơn. Mà thói thường, khi cô đơn, người ta luôn nghĩ, chỉ có mình tắm đẫm trong nỗi buồn, chỉ có mình là quay quắt nhớ về trường xưa, nhớ về đồng nghiệp và học trò một thuở đã góp phần tô điểm cho trang đời của mình:
Trần Đình Quân dáng xanh xao ủ rũ
Vẫn ngậm ngùi thương tiếng hát Giang Châu
Nguyễn Ngọc Thanh bước đi luân vũ
Vào lớp rồi khói thuốc còn bay
                                                            (…)
Đêm văn nghệ đèn sáng trưng hội trường
Tiếng hát Tâm Nguyên buồn thật buồn
Kinh Kha hề! Trần Ngọc Châu múa kiếm

 Cẩm Lai yêu kiều vũ Đám cưới đầu xuân.
(Một thời Phan Châu Trinh)
Có lẽ đó cũng là tâm lí của nhà thơ Trần Hoan Trinh. Chúng ta không thể trách nhà thơ được. Nỗi buồn cũng là một phẩm chất nhân văn của con người, nó làm nên tính người, tính nhân loại mà. Chúng ta cùng đồng cảm với  nhà thơ để “dưới gốc sao già để lệ rơi” mà không cảm giác lẻ loi, để nhà thơ thấy đời vẫn thơ như “Buổi học cuối”:
 Buổi học cuối mơ thấy mình hóa bướm
Bay lang thang hôn từng cụm hoa vàng.
để “Lòng thầy già như được hồi sinh”.

Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” là một bài thơ tạo được sự đồng điệu với người đọc. Qua sự đồng điệu đó nói lên một chân lí nghệ thuật: thơ hay không chỉ ở nghệ thuật tân kì mà ở chỗ, nhà thơ thật sự xúc cảm, biết diễn tả sự rung động chân thành của mình một cách chân thực bằng ngôn từ giản dị và trong sáng.

Đêm đi qua trường cũ bị đập bỏ” là bài thơ thật sự làm người đọc xúc động vì đã nói lên một quy luật tình cảm, khi sự vật hiện tượng đã một đời gắn bó với ta, nó không còn là sự vật nữa mà là máu thịt tâm hồn, một phần sự sống của mình, thậm chí chuyển hóa thành đời sống tâm linh của mình. Phải chăng chính tư tưởng và tình cảm ấy đã tạo nên tín ngưỡng tâm linh của người Việt.

Hiểu như thế mới cảm thông với Trần Hoan Trinh, nhà thơ học đường, 40 năm gắn bó ân tình với một mái trường, nên làm sao tránh khỏi:
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi
khi trường xưa không còn là một thực thể mà đã trở thành quá vãng mịt mù.

 DƯƠNG UYỂN CHÂU
  Bài viết của HOÀNG DỤC –DƯƠNG UYỂN CHÂU

( Nguyên Tổ trưởng tổ VĂN , gv dạy VĂN trường TH

                                  Chuyên LÊ QUƯ ĐÔN Dà Nẵng )

 

nguồn: từ điện thư gs Trần Đại Tăng