đng gia

Phan Ni Tn

 

 

 

 

 

 

In tuồng như đinh đóng cột, cứ đúng vào dịp tiết Thanh Minh là thằng Nõn từ Xẻo Rô chèo xuồng khoảng bốn cây số xuống Cầu Thứ Hai chở hai chị em Bòl vô Đồng Giữa đi tảo mộ ông nội. Thằng Nõn tướng tá coi cục mịch nhưng tánh tình hệch hạc, lại được nước nhiệt tình, xông xáo. Lần nào cũng vậy, trời tờ mờ sáng, vừa qua Cầu Thứ Hai quẹo trái thoáng thấy nhà chú thím Út, ba má Bòl, Thùy nó hú dài một tiếng như  "tặc răn" rồi la: "Chế Bòl ơi! Thùy ơi!..." ý nó nói tui tới rồi đây nghen.

Mươi mười lăm năm trước, từ Cầu Thứ Hai xuống Đồng Giữa chèo xuồng mất khoảng nửa ngày. Bòl bơi mũi, thằng Nõn chèo lái, còn con Thùy út ít, ngồi giữa tha hồ ngó chim bay cò bay. Ngày nay Bòl không còn đủ sức như xưa nên Thùy thế chỗ chế nó bơi mũi. Riêng thằng Nõn, sức dẽo dai vẫn cuồn cuộn trên đôi cánh tay rắn chắc mỗi lần nó khua chèo xuống nước. Cha mẹ thằng Nõn nghe đâu mất sớm . Nó chèo đò mướn trên kinh Rạch Mẻo rồi qua Cầu Quay cuối cùng là Xẻo Rô. Cái hôm chú Út dắt Bòl tới Xẻo Rô vô chợ mua gà chọi về làm giống lúc trở về thì trúng cây mưa làm trễ đò. Hai cha con đành ngồi trên bến chờ chuyến tới, tình cờ gặp thằng Nõn tốt bụng đi ngang hỏi han sự tình rồi tình nguyện mướn xuồng (chú Út trả tiền) chở hai cha con về tận nhà. Từ đó Bòl nẩy ý kiến nhờ (không dám nói chữ mướn) Nõn chở hai chị em xuống Đồng Giữa đi tảo mộ vào mỗi dịp tiết Thanh Minh.

Ngày nay từ thị xã Rạch Giá xuống tới Thứ Bảy Kinh Làng đã có lộ xe Honda chạy, không còn bao nhiêu người thích đi đường xuồng, trừ chị em Bòl. Cũng nhờ vậy mà thằng Nõn vốn yêu nghề lại có thêm một dịp vẫy vùng trên sông nước.

Bòl nhớ hồi đó, hai bên bờ kinh rạch dẫn về Đồng Giữa mọc đầy năng, lác, đế, sậy, ô rô, cóc kèn..., càng đi càng thấy rừng âm u, tĩnh mịch. Riêng con Thùy thích nhất là khi xuồng bơi giữa dòng kinh lúc dài ngoằn, lúc quanh co,  hai bên bờ bần chen chúc, đan cành che kín cả bầu trời. Chim chóc, thú rừng trong khu vực này hễ thấy bóng người là náo động cả lên; tiếng chao chát của chúng tạo thành những âm thanh vui tai. Nhưng con Thùy lại sợ khỉ. Có lần, trên dòng kinh này nó bị một chú khỉ tinh ranh lẹ tay dớt mất cái nón lá Chệt nó mới mua cho nó che nắng che mưa. Phần tiếc cái nón, phần về sợ Chệt Xiếm la, nó khóc mướt. Mà chế Bòl của con Thùy cũng ngộ, thích đứng coi con Thùy khóc hơn là dỗ em nín. Cũng tại cái bản mặt thiệt là dễ nựng của con Thùy mà ra. Mà thiệt, cả nhà ai cũng cưng chiều con Thùy hết mức. Tuy nó sanh nhằm năm Dần, dòm heo có chửa là heo xẩy thai, dòm gà ấp con là gà con chết sạch,  nhưng con nhỏ có cặp mắt tròn xoe, có cái nhìn hết sức ngây thơ  vô tội vạ, có mái tóc "cum-bê", cộng thêm cái mõ chu chu tròn như chữ o gắn trên gương mặt bụ bẫm, trắng như trứng gà bóc, nhìn thấy ai cũng thương.

Mặt trời lên cao, hơi nắng gay gắt. Xuồng vừa quẹo trái là tới kinh Bàu Láng. Nước chảy lờ đờ, đen xì. Vài người bơi xuồng ngược hướng chở củi ra chợ Rạch Giá bán. Bòl chậm rãi tháo cái khăn rằn quấn trên đầu xuống lau mặt, nhìn mấy con khướu bay sập sận trên cành dừa bên kia bờ, nói một hơi:

- Tới Bàu Láng rồi hén, Nõn. Coi bộ con Thùy mỏi tay rồi đa. Chèo tới bóng cây bần đằng kia nghỉ tay uống miếng nước chờ trời mát mát rồi đi tiếp nghen.

- Í mẹt ơi! Thằng Nõn la hổng được đâu, chế. Uống miếng nước rồi đi liền chớ lúc  dìa trời tối muỗi ra nhiều lắm.

Riêng con Thùy chẳng nói chẳng rằng gác cây dầm cạnh be xuồng lò mò tới gần chế nó lấy chai nước ngửa cổ tu một hơi xong bò lại đằng mũi ra hiệu chèo tiếp. Ngay cái lần đầu tiên con Thùy thế chị nó ngồi bơi mũi, thằng Nõn tuy có nghề chèo đò nhưng cũng thầm phục con nhỏ coi nhỏ con vậy mà chì thiệt.

Tới trưa trời đứng bóng xuồng cũng vừa tới Đồng Giữa, nhà cửa mọc san sát hai bên bờ kinh. Vài chiếc ghe thương hồ qua lại hòa trong tiếng máy dầu tạch tạch lan trên dòng nước đen đúa.

Hồi xa xưa, Đồng Giữa đâu có đông như bây giờ. Hồi đó, dân cư thưa thớt, nhà này cách nhà kia một khoảng đất, một con kinh. Dù vậy, ngày nay cái nét quê của nhà mái lá, cây cầu khỉ vẫn còn ẩn hiện nằm sâu trong những vùng đất, kinh rạch ít người.

Trong số lưu dân Trung Hoa, lần đầu tiên đặt chân lên đám đất này khẩn hoang, có ông Thái Tường. Hồi mới tới quan sát cuộc đất, ông Thái Tường đã sớm nghĩ tới việc đào kinh rồi. Lần hồi, dân canh tác tới làm ăn lập nghiệp ngày càng đông lập thành chòm, thành xóm. Lúc đó, để cho xuồng bè giao thương qua lại dễ dàng, ông mướn dân phu xắn ngang đám đất Đồng Giữa một con kinh.

Về sau, dân xứ này khi nhắc đến ông Thái Tường, người kỳ cựu biết thì không nói gì, người không biết lúc lai rai vài ba sợi cũng bày đặt lên mặt thầy đời: "Ông Thái Tường hả? Ờ, nghe nói ổng...".  Họ kể nhiều câu chuyện về ông lúc thì na ná, lúc thì khác tới trời ơi đất hỡi, hổng biết đàng nào mà lần. Ngay cả chị em Bòl có bữa rảo chân trong chợ Giữa tình cờ nghe lóm câu chuyện về ông nội mình mà bấm bụng cười thầm. Nhưng ở Đồng Giữa, ngày nay vết tích của ông Thái Tường vẫn còn... chảy hiền hòa trên con kinh Bà Lò Xén, là tên bà vợ người Việt của ông Thái Tường, xưa kia bà từng đứng ra đốc thúc việc đào kinh. Dân chúng biết ơn mới lấy tên Bà Lò Xén đặt tên cho con kinh là vậy.

Theo gia phả mười đời của giòng họ Thái, khởi từ năm một ngàn sáu trăm... khi chiêu bài "Phản Thanh Phục Minh" của Thiên Địa Hội thất bại v.v..., được ghi lại như vầy:

Giữa thế kỷ thứ XIX, ông Thái Tường gốc người Minh Hương theo tàu buôn của người Trung Hoa qua Hà Tiên lập nghiệp. Hồi đó, đất Hà Tiên vẫn còn hoang sơ nằm bên bờ vịnh Thái Lan. Ban đầu ông Thái Tường theo chân một nhóm người đồng hương tìm vô tuốt trong ngọn làm rẫy sinh nhai, nhưng đất Hà Tiên nhiều phèn, quá xấu, ráng làm được hai mùa thu hoạch kém, ông bỏ, xong phiêu bạt ra Hòn Trẹm rồi Ba Hòn nai lưng làm đủ mọi loại nghề thuê mướn. Sau những năm dài chịu cực chắc bóp được một mớ tiền và nhờ mang theo một ít chỉ vàng lận lưng, ông trở vô đất Hà Tiên xoay qua việc thu mua thổ hóa về buôn bán kiếm lời. Năm tháng trôi qua, tuy công việc mần ăn có mòi khám khá ông vẫn không nghĩ tới chuyện lập gia đình.

Nhưng cuộc đời phiêu bạt của ông Thái Tường đâu có chịu yên thân một chỗ. Vốn phóng khoáng, tháo vát, thích tự tạo một nếp sống mới, sau nhiều năm ở đất Hà Tiên, một hôm tốt trời, ông sang lại tiệm hàng xén, theo ghe đi đường biển mất nửa ngày về vùng Rạch Giá. Thăm dò tin tức dân địa phương về cuộc đất, ông quyết định chọn một đám đất khai hoang (nay là Thứ Ba) làm ruộng rẫy. Mặc dù ông  trúng liên tiếp ba mùa, bộn bạc, nhưng cuối cùng cái cung Thiên Mã một lần nữa lại giục ông lên đường.

Lần này ông mua một chiếc xuồng xuôi theo con rạch Bàu Trâm, bơi dài xuống rạch Thứ Năm Chùa (có ngôi chùa Miên ngay đó) rồi xuôi xuống Bàu Láng tới đất Đồng Giữa, chọn nơi này làm quê hương.

Một thời gian sau, ông Thái Tường lập gia đình với một người phụ nữ Việt, sanh con đẻ cái lần hồi trải qua ba thế hệ thì lòi ra hai chị em Bòl, Thùy. Nhưng vào thời kỳ ông Thái Tường và nhóm người Minh Hương tới đám đất này khẩn hoang sinh sống, tóc vẫn còn thắt bì bi (tức thắt bính), thả đuôi tóc dài xuống tới lưng quần. Tụi con nít Khơ-me trong làng thấy ngồ ngộ, ngứa miệng thường nhè lũ trẻ Minh Hương vừa lêu lêu,vừa nhảy nhót, chọc ghẹo: "Ột ệt thằng Chệt có đuôi". Lũ trẻ con Minh Hương cũng đâu có vừa, tức khí chúng cầm đuôi tóc xoay tròn tròn, chẩu mỏ chửi lại: "đồ thằng Thổ chết đốt".

Trẻ con đời nào cũng hồn nhiên vậy đó. Tội là tội ở người lớn lúc rượu vào lời ra vọt miệng phun bậy mấy câu trời đánh kiểu đó, con nít nghe được bắt chước liền.

Người Khơ-me đi khẩn hoang, sống ở Bàu Láng chiếm 60% so với người Việt. Nhưng một số người Khơ-me như gia đình ông Ba Cum lại thích phiêu lưu, họ chịu cực khai khẩn ruộng đất được bao nhiêu đem bán hết cho ông Thái Tường xong tìm đất mới khẩn hoang rồi lại bán cho ông. Nhờ vậy, lần hồi đất ruộng ông Thái Tường mênh mông, cò bay thẳng cánh. Đến đời con, đời cháu ruộng đất được chia ra bán dần bán hồi mà sinh sống theo nhiều cách.

Tới Đồng Giữa thằng Nõn lơi tay chèo cho xuồng trôi chầm chậm trên dòng nước, chợt nghe Bòl la lên "Chú Tư Nun kìa" là nó lẹ làng đưa xuồng cặp sát bờ rạch, cạnh cây gừa mọc trước nhà chú Tư Nun, anh bà con của chệt Út. Hai con chó đang giỡn hớt quanh bụi tre chợt đánh hơi người quen vội nhảy xổ ra vẫy đuôi mừng quýnh, sửa vang lừng. Trên bờ, ngoài chú Tư Nun mặc nguyên bộ bà ba trắng, tóc búi, còn có mấy anh con cô cũng tụ về đón chị em Bòl. Mọi người cười nói, xăng xái đở lấy trái cây, đồ cúng từ tay Bòl chuyền tay mang vô nhà trong khi thằng Nõn lui cui cột mũi xuồng vô góc gừa.

- Lâu quá, chú Tư! Bòl nói, tay kéo cái ghế đẩu ngồi xuống.

- Ờ, một năm trời chớ ít ỏi gì. Đi đường mệt không? Chệt Xiếm bây ra sao?

Con Thùy lẹ miệng:

- Dạ, cũng bình thường, chú Tư. Chệt Xiếm con có gởi chú thím mấy hủ dưa bồn bồn với cặp mít nghệ nè.

- Dzậy hả? Ờ, dìa nói Chệt Xiếm, chú Tư cám ơn. Giơ hai trái mít nghệ bự chảng lên, chú cười nói: Thứ này thím bây thích lắm. Hà! Món ngon nổi tiếng của Chệt bây đây mà.

Bòl ngó xuống nhà dưới hỏi:

- Thím Tư ra đồng sao chú Tư?

- Đâu có!  Biết bữa nay bây dìa, hồi nãy thằng Hó chở thím bây xuống bến mua thêm trầu cau đem ra mộ cúng.

Chú Tư Nun nói, tay cầm cây quạt giấy có vẽ hình cành mai màu vàng đen quạt quạt giục bây uống nước đi, rồi còn lo nhang đèn đi tảo mộ cho lẹ. Chú than dạo này trời tối mau quá.

Đúng lúc thím Tư với thằng Hó khấp khởi trở về đặt thêm miếng trầu nhánh cau lên bàn thờ đã bày sẵn cơm canh, bánh trái linh đình. Chú Tư Nun chờ mọi người thắp nhang cúng bái xong là hối ra đồng đi tảo mộ.

Trời nhiều mây, ui ui không nắng. Ngoài cánh đồng xa xa, vài giọng hò theo gió đưa tới nghe não ruột. Trên miếng đất khá rộng sau nhà của chú thím Tư Nun, giữa vườn cây ăn trái và cánh đồng lúa còn trơ gốc rạ có chừa một khoảng đất được rào bằng một cái vòng thành, trong đó ngoài mộ ông bà Thái Tường còn có mộ của cô Tư cũng được chôn chung cạnh đó.

Ngôi mộ nào cũng xây bằng xi măng trán gạch men, mới quét vôi lại. Đặc biệt, mộ ông nội được đắp cao như  ốc đảo, bốn góc có bốn búp sen xanh hồng gắn trên bốn cây cột dựng quanh mộ ai nhìn thấy cũng ấm lòng.

Trong khi thím Tư, Bòl sửa soạn dọn đồ cúng, thì thằng Hó, con Thùy lo chưng bông; những cành bông súng cánh trắng nhụy vàng, những bông rau mác tim tím, toàn những hương đồng cỏ nội chen nhau khoe sắc .

Chuẩn bị xong đâu đó, chú Tư Nun mới khum tay bật quẹt đốt bó nhang nghi ngút khói. Chờ nhang cháy đều chú chia cho từng người xong cùng chắp tay cúi đầu khấn vái.

Con Thùy lim dim đôi mắt, thành khẩn khấn thầm: "Ông nội bà nội sống khôn thác thiên về đây hưởng hương hoa, phò hộ cho gia đình con cháu được bình yên..."

Thăm mộ xong, mặt trời đã quá giờ ngọ. Mọi người lặng lẽ trở về nhà. Hai con chó cũng có linh tính trước cảnh sanh ly tử biệt, lủi thủi chạy theo sau.

Về tới nhà, đứng trước hàng ba, thằng Nõn mới thấy đói bụng, tuy vậy nó vẫn dựa cột vấn điếu thuốc hút một hơi thiệt sâu chờ bữa. Trong nhà, gia đình chú Tư Nun và đám con cháu lạy bàn thờ tổ xong dọn đồ cúng kiếng xuống bộ ván rồi sai thằng Hó chạy ra kêu thằng Nõn vô ăn cơm.

Cơm nước xong, chú thím Tư Nun hối đám nhỏ xuống xuồng trở về Thứ Hai trước trời tối. Trên đường đi khác với đường về, không biết vui gì trong bụng mà thằng Nõn tay chèo miệng hát nghêu ngao:

Ai về Rạch Giá, Kiên Giang

Ăn tô bún cá chứa chan tình người

Câu hát tân thời này coi bộ chưa đã miệng nó chuyển qua hò:

Hò... ơi!...Ra dìa bẻ lá cắm đây

Năm sau ta cứ, ơ hò... chốn này ta lên...

 

PHAN NI TẤN