ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...
Nhà văn
Trần Long Hồ
1.
trả lời ba câu hỏi chung về sáng tác
(Văn Học số 116 tháng 12-1995)
Tôi vốn đam mê văn chương từ nhỏ, bắt đầu viết từ thuở còn ở bậc trung học, cho nên một điều gì đó thúc đẩy tôi viết đã có từ dạo đó. Mặc dù tôi ngưng viết từ năm 1975, bẵng đi cả 14 năm, đến năm 1989, tôi mới viết lại. Suốt khoảng thời gian dài im lặng như vậy, điều gì đó vẫn tồn tại trong tôi. Ở hải ngoại, đời sống quá sức bận rộn, công việc y khoa chiếm hết thì giờ, tuy nhiên không chiếm hết tâm trí tôi. Vì vậy cái điều gì đó chính là sự say mê đã thúc đẩy tôi tiếp tục viết. Nói say mê có lẽ chưa hết ý, phải nói mê viết gần như một thứ sì ke (chữ dùng của anh Nguyễn Mộng Giác) . Nó lôi cuốn mình, không dứt ra được. Còn những lý do khác, như mong muốn bày tỏ, sự khao khát tâm sự,...có lẽ, phàm là người viết ai cũng có tâm trạng đó. Ðối với riêng tôi, sự nhung nhớ quê nhà yêu thương đất nước là một động lực rất mạnh cho người cầm bút. Với tâm trạng lưu vong của kẻ tha hương, lúc nào cũng hoang mang về chốn dung thân của mình, tôi vẫn nghĩ rằng, đối với tôi, dù có sống bao năm ở hải ngoại đi nữa, một khi ta không thay đổi được màu da thì ta vẫn là kẻ bên lề, không thể nhập cuộc. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, suốt một đời mình phải dung thân nơi xứ lạ, chốn quê người. Ðối với quê hương, dù bao nhiêu tuổi đi nữa tôi vẫn cảm thấy mình là một bào thai, cần cuống rún, cần mẹ. Do đó, sự khốn khổ của người dân, sự đau đớn của quê hương chính là niềm trăn trở khôn nguôi cho người cầm bút. Do đó, đối với tôi, xa quê hương càng lâu, càng bị thúc đẩy phải viết.
Vấn đề mà tôi thường viết thuộc về quê hương, người dân, xã hội và thân phận của mỗi con người Việt nam. Những xáo trộn, rung chuyển của quê hương hay sự thống khổ của người dân là những chấn động không thể nào nguôi ngoai trong lòng tôi. Những ưu tư dằn vật của kiếp đời lưu vong, những oan trái xâu xé và bất công trong xã hội, và tình người cay nghiệt trong cuộc sống tha hương là những vết hằn trong tâm não tôi. Cho nên. là một kẻ cầm bút, tôi có nhu cầu phải viết lại. Câu hỏi, viết như thế nào ? Tôi xin trả lời. Trước kia tôi viết lên giấy, nhưng trong những năm gần đây tôi không "viết"chữ mà chỉ "đánh"vào máy điện toán. Tôi có thể "đánh"bất cứ lúc nào, khi rảnh rổi, mỗi lúc một chút, mỗi ngày một ít. Tôi viết, thế đó, lần hồi gom đủ thành bài. Thường thường tôi viết tại nhà thương hoặc trong phòng mạch, năm hay mười phút cũng viết được. Nếu không có thì giờ tôi nghĩ tới một vấn đề, một bài viết, rồi cất giữ đó, giống như để dành, khi rảnh thì ngồi xuống viết ngay. Không hiểu tại sao, càng bận rộn tôi càng viết được. Còn câu hỏi cuối cùng, viết cho ai đọc ? Câu hỏi mới thoạt nghe tưởng dễ, nhưng ngẫm lại thấy khó. Dễ là, viết cho độc giả đọc, khó là, độc giả gồm những ai ? Nói về mặt thứ tự thời gian trước : viết cho các vị chủ bút, trong ban biên tập đọc trước. Kế đến độc giả là quảng đại dân chúng bên ngoài. Tôi thích viết cho những độc giả loại sau hơn. Tuy vậy, tôi không chìu theo thị hiếu chung của độc giả. Có lẽ sự ích kỷ của mình mạnh quá chăng, tôi viết cho tôi đọc trước thì phải ? Còn nói về mặt không gian, độc giả không có giới hạn là ai. Tôi không viết để nhằm vào bất cứ một loại độc giả nào. Ðộc gỉa là người đọc mà còn là người thầy cho người viết. Ðộc giả là người Việt, đọc tiếng Việt, ở mọi nơi, trong nước, hải ngoại.
2.
trả lời nhà thơ Phan Việt Thủy
(tập san Việt số 5 đầu năm 2000)
Về thói quen sáng tác- Sáng tác lúc nào và ở đâu ? Có thể nói đến 95% toàn bộ tác phẩm của tôi được viết trong phòng mạch và nhà thương, viết trong những "khe hở thời gian"khi làm việc. Thói quen "suy nghĩa theo ngăn kéo" có lẽ là phương cách duy nhất giúp tôi yên bề gia thất giữa văn học và y học.
Viết liên tục hay gián đoạn ? Vì công việc bề bộn, chuyện sinh nhai là chủ yếu nên chuyện sáng tác bị cắt ra từng mảnh nhỏ. Tôi viết chừng vài phút, có khi đến nửa giờ nếu có may mắn.
Viết nhanh hay chậm ? trong quá trình sáng tác, đối với tôi, phần suy nghĩ cho tác phẩm rất lâu. Thời gian suy nghĩ cho một truyện ngắn chừng mấy ngày hay vài tuần. đôi khi , có truyện ngắn được ấp ủ trong suy tư lâu đến mấy tháng hay cả năm trước khi thành hình. Một khi mô hình truyện đã có, thời gian viết của tôi rất ngắn.
Viết tay hay đánh thẳng lên computer ? Tôi viết trên computer vì nó tiện lợi cho việc sửa chữa. Mỗi lần viết, tôi đều hài lòng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như cảm ơn người đã làm ra phương tiện tốt đẹp này.
Những yếu tố quan trọng nhất trong công việc viết lách :
Cảm hứng và thói quen là hai yếu tố quan trọng nhất. Kế đó là kiến thức và nghị lực. Một tác phẩm văn chương, dù hư cấu đến mức nào đi nữa, vẫn cần phù hợp với một số vấn đề thực tế. Cho nên kiến thức rất cần thiết nếu tác gỉa muốn tác phẩm có giá trị và sống thọ. Về nghị lực, dĩ nhiên là một yếu tố không thể thiếu để tác phẩm thành hình. Nhưng nghị lực phải đi đôi với lòng say mê. Sự say mê là chủ chốt.
Một vài yếu tố khác cũng rất quan trọng là nguyên tắc và phương pháp làm việc. Dĩ nhiên trong nghệ thuật và văn chương nói riêng, không có một nguyên tắc hay phương pháp nào cứng đờ để áp dụng cho tất cả mọi người.
Tôi có vài nguyên tắc cho bản thân mình, xin nêu ra với lý do trả lời phỏng vấn chứ không có ý đề ra một phương cách nào cả :
- Tập cho bản thân một sự dễ dãi đến mức tối đa. Tức là có thể viết bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
- Tập cho bản thân một tinh thần sẵn sàng vô điều kiện. Tôi chỉ cần một thứ là thì giờ.
- Tự luyện cho mình một thói quen cất giữ cảm hứng và đề tài.
Về mặt phương pháp, tôi cũng có một vài cách riêng cho mình :
- Suy nghĩ về một đề tài phải thật lâu và thật kỹ. Thời gian này có thể kéo dài bao lâu cũng được, đừng để các yếu tố linh tinh khác chi phối bản thân mình. Khi sự suy nghĩ đã chín mùi thì bắt tay vào viết và phải viết thật nhanh với một tốc độ mà bản thân mình có thể cố gắng được.
- Trong quá trình viết, nếu có bất cứ trở ngại gì hay bất cứ khó khăn nào, phải dừng lại và giải quyết thật rốt ráo, không được nhân nhượng với trở ngại và không được dễ dãi với bản thân mình. Khi viết là phải hoàn tất.
- Khi một tác phẩm thành hình, phải đọc lại một hay vài lần. Nếu không vừa ý cả nội dung tác phẩm thì tôi xé bỏ ngay, không thương tiếc. Nếu không có thì giờ đọc lại tác phẩm của mình thì không bao giờ cho chúng ra đời.
- Khi một tác phẩm chào đời, tức là được đăng báo hay in ra sách, chúng đã thoát khỏi tầm tay của mình, khó lòng mà sửa chữa được. Nói như vậy, nếu tôi muốn sửa thì cũng có thể làm được. Tôi không thích ra mắt sách cho tác phẩm của mình trước công chúng.
Ðiều quan tâm nhất khi sáng tác
Ðối với truyện, đề tài quan trọng hàng đầu. Nó là cái mầm khởi điểm cho một tác phẩm. Có đề tài có truyện, không đề tài không thành truyện.
Yếu tố khác thật quan trọng là tư tưởng. Một truyện hay phải cưu mang ít nhiều tư tưởng của tác giả. Một truyện dù ngắn đến đâu đi nữa cũng mang theo tư tưởng.
Trong truyện, một yếu tố phân định khả năng và trình độ của tác giả là kỹ thuật. Tài nghệ của tác giả thể hiện qua yếu tố này. Ðiểm quan trọng của kỹ thuật, cái khó chưa phải ở chữ và câu, mà ở cách diễn đạt và truyền ý. Ngoài chuyện sử dụng chữ và câu cho tài tình, sự liên tục ý tưởng phải được truyền đạt nhuần nhuyễn. Yếu tố kỹ thuật này tạo cho tác giả một căn cước, đó là văn phomg. Nó quyết định tác giả là ai.
Một yếu tố trong văn đã làm tốn hao giấy mực và thời giờ của quá nhiều người là cốt truyện. Ðối với tôi, bắt buộc, truyện dù ngắn tới đâu cũng nên có một cốt truyện, tức nhiên lồng trong đó một ý đồ. Tùy kích thước truyện mà cốt truyện phức tạp hay đơn giản.
Trong văn, một yếu tố hay bị bỏ quên là cảm xúc. Nói đến cảm xúc người ta thường liên tưởng đến thơ. Nhưng trong văn, ít ai nhớ đến. Không có cảm xúc, truyện trở thành một bài tường thuật hay một bản tin trên báo.
Yếu tố cuối cùng là nhân vật. Mỗi tác phẩm thành hình là do các nhân vật ấy hành xử với nhau. Nhân vật là những mẫu hình do tác giả tạo ra, dĩ nhiên số phận chúng phải tùy thuộc vào tác gỉa. Nhân vật phải trung thành. Tuy nhiên, trong truyện dài, thỉnh thoảng có hiện tượng "văn nhập", tức là nhân vật trở chứng và hành xử theo ý muốn riêng của họ.
Trần Long Hồ
Nhà văn
Trương Anh Thụy
trả lời ba câu hỏi chung về sáng tác
(Văn Học số 114 tháng 10-1995)
Sống trong một xã hội văn minh vật chất, con người phải cố gắng vật lộn mới có thể chạy kịp với nhịp sống chung quanh. Thời gian nhàn rỗi thật hiếm qúy. Cổ nhân xưa đã nói
người ta phải "ăn cắp"cái nhàn. Mà đã gọi là "ăn cắp" thời đương nhiên phải nhanh tay, được chút nào vơ ngay chút đó chớ không đòi hỏi nhiều hay ít, ở chỗ nào, ở thời điểm nào...Thời giờ nhàn rỗi đó dùng để làm cái gì mình thích, để thực hiện các thú tiêu khiển...Có người chọn ngồi không chẳng làm gì, có người chơi thể thao, đi du lịch, đọc sách, làm thơ, viết văn...
Trường hợp tôi, đọc sách, làm thơ, viết văn là món ăn tinh thần rất cần thiết sau những giờ dài làm việc căng thẳng trong sở làm. Khi tôi viết tôi sống với các nhân vật của tôi. Truyện của tôi thường thường ít nhiều dựa vào sự thực rồi thêm phần hư cấu, có khi tôi còn tìm cách gỡ rối vấn đề cho các nhân vật. Những lúc loay hoay tìm cách này, cách nọ là lúc tôi sống trong một thế giới khác, thế giới của "người ta", cũng là lúc "thay đổi không khí" cho những việc làm đều đều, nhàm chán hàng ngày.
Tôi viết về cái gì tôi thấy trực tiếp hay gián tiếp do đọc báo, đọc sách, xem tin tức, nghe kể...làm tôi xúc động và có phản ứng. "Cái gi" đó có thể là thiên nhiên , là con người (trong đó có cả tôi) trước hoàn cảnh do chính con người tạo ra và là nạn nhân. Những đề tài tôi chọn thường trong môi trường tôi sống, hay quen thuộc. Ở môi trường khác, có thể tôi quay sang các đề tài khác.
Ở hoàn cảnh tôi : đi làm toàn thời gian, làm việc văn hoá, xã hội, trông nom việc xuất bản (nhà xuất bản Cành Nam và một phần Tổ Hợp Xuất Bản Miền đông Hoa Kỳ) ..tôi phải "ăn cắp" một chút thời gian vụn vặt để viết. Dù vậy tôi không chịu chờ cho đến khi có nhiều thời giờ hơn, như ngày về hưu trí chẳng hạn, vì thế tôi viết khá chật vật, gián đoạn, chậm chạp...
Tôi có nhu cầu "nói"! Nghĩa là chia sẻ sự suy nghĩ, niềm xúc động với người khác. "Nói" là phương tiện chia sẻ hạn hẹp vì không dễ gì lúc nào cũng có người chịu ngồi nghe cho mình nói. Ngoài ra, nói thường diễn tả tư tưởng lộn xộn, khó có thể sắp xếp cho mạch lạc-trừ những người có khiếu ăn nói. Ðối với tôi, trang giấy là phương tiện lý tưởng để giải bày tư tưởng, cảm xúc. Tôi viết cho bạn tôi, cho người đọc, cho người muốn nghe tôi thổ lộ tâm tình.
Trương Anh Thụy
Nhà văn
Nguyễn Thị Hoàng
trả lời nhà báo Tố Tâm
(tạp chí Ðất Mới, số 4 bộ 2 tháng 4-1990)
...
Thơ chưa in thành tập, nhưng rải rác có đăng báo. Khởi đầu năm 1960 ở Bách Khoa và từ 1961-1962 thì ở tạp chí Văn. Nhưng khi những chương đầu tiên của Vòng Tay Học Trò được in ở Bách Khoa thì tiểu thuyết là chính, thơ chỉ còn là tô điểm thêm...
..Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những "đơn đặt hàng". Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng một lúc...rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ, làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô héo đi. Sau một chuyền đi xa vào năm 1970 mình lấy lại được hứng khởi và phần không nhỏ cũng vì năm đứa con, một đòi hỏi lớn về kinh tế gia đình nên phải tiếp tục viết...Do đó mà chưa có quyển nào coi như được viết từ tim óc của mình. Những cuốn đã xuất bản : Về Trong Sương Mù, Một Ngày Rồi Thôi, Vực Nước Mắt, Cho Ðến Khi Chiều Xuống, Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Cuộc Tình Trong Ngục Thất vv...
Do chế độ kiểm duyệt, vấn đề gia đình, vấn đề dư luận nên mình không thể toả hết con người thật trong khi viết nhưng cũng đã ít nhiều gởi gắm được vài nét về cái suy nghĩ riêng tư. Có vài cuốn mình ưa thích như : Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Cuộc Tình Trong Ngục Thất
Ðã sáng tạo thì phải có xúc động, tất nhiên xúc động của mỗi người khác nhau và việc thể hiện cái xúc động đó cũng ở mức độ khác nhau. Xúc động của người viết lấy từ đâu ? Phần đông có lẽ từ một chuyện tình mà ra, nhưng cũng có thể từ một rung cảm nào đó. Còn phần sáng tạo từ xúc động đó cao hay thấp, ngã theo chiều hướng nào là tùy theo thực thể đối tượng.
Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, va xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời...rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì...cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là...phải thản nhiên.
Nhà văn không phải là một danh từ để tôn xưng mà trong ý nghĩa là mình có thể làm công việc của một người dùng chữ nghĩa để phiên dịch ra với cuộc đời này mọi nét, mọi biểu tượng trên sự sống mà người khác không đọc được nhưng mình đọc ra, giống như đọc một mật mã hay một giòng cổ tự nào đấy khắc trên đá. Nhà văn đã thể hiện bằng tâm tình, bằng ý tưởng, bằng xúc động và cuối cùng là bằng chữ nghĩa cái nỗi niềm mà kẻ khác cũng cảm thấy như thế hoặc đã sống qua như thế nhưng không tỏ lộ được.
Nguyễn Thị Hoàng
Nhà văn
Hoàng Khởi Phong
trả lời nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh
(tạp chí Văn Học số 123 tháng 7-1996)
...Văn chương, cái này đúng là một cái nghiệp đã đe doạ nhiều người, nhiều gia đình. Nó không thua gì hiểm họa chiến tranh. Chả thế mà các tạp chí văn chương cứ hiện ra rồi lại biến đi, còn các nhà văn thì ẩn hiện vô lường. Nghĩ cho cùng thì tôi thấy tội nghiệp cho...tôi và tội nghiệp cho cả...văn chương.
Khi tôi cầm bút, tôi nghĩ tới những "nhà văn" đúng nghĩa. Khi tôi cầm súng, tôi nghĩ tới những "người lính"chính hiệu. Tôi cho là tư cách "nhà văn" nó bao gồm mọi tư cách khác của cá nhân tôi. Nếu những nhà văn có thời đi lính được gọi là " nhà văn quân đội", thì giả dụ có một nhà văn sau năm 75 phải đi đạp xích lô kiếm sống, và hơn thế nữa tác phẩm của ông ta viết về giới xích lô, ba gác, vác thuê, gánh mướn ta có gọi nhà văn đó là "nhà văn Xích lô"không ? Rồi một người nào đó trước kia ở Việt Nam là cảnh sát, ta có gọi ông ta là "nhà văn Cảnh Sát"không ? Bây giờ tôi làm thợ tiện, anh có gọi tôi là "nhà văn Thợ Tiện" không ?
Nhà văn, nhiêu đó đủ rồi. Tôi có một thời gian đi lính, nên tôi hay viết về đời lính của tôi nhưng không phải vì thế mà bây giờ tôi vẫn tự coi mình là một quân nhân. Tôi là một cựu quân nhân QLVNCH, cái này không có gì lợn cợn. Nhưng nói tôi đang còn là một quân nhân QLVNCH, thì không sai...nhưng dứt khoát không đúng, nó có cái gì đó không chính danh...
Tôi rất phục những ai định viết gì...thành cái ấy. Trước khi tôi làm một bài thơ, viết một đoạn văn, tôi để hai, ba ngày tìm những hình ảnh chính liên quan đến đề tài tôi chọn, rồi dùng những hình ảnh ấy dẫn ý tưởng của mình đi. Thành thử những bố cục ban đầu ít khi giữ được. Cả loạt bài anh đề cập đến ( Thư không Người Nhận, Thư Gửi Người Bạn Cũ, Cháo Lú...) lúc đầu tôi không định viết như thế, rồi hình ảnh dẫn tôi đi, rồi suy nghĩ cộng với cảm xúc, rồi phẩn nộ trộn lẫn với đau xót, và những hình ảnh phụ ở đâu tràn về. Rút cục tạp ghi không phải tạp ghi, tùy bút không hẳn tùy bút. Tôi công nhận những bài viết này có nhiều chất chính trị, nhưng cũng có nhiều chất văn chương. điều quan trọng tôi nghĩ là xếp nó vào loại nào, mà tôi làm bật được cái gì trong bài viết.
Trước tiên tôi là nhà văn, vậy bài viết bắt buộc phải có văn chương. Theo tôi một nhà văn, không nhất thiết phải có hành vi chính trị, nhưng trong thời điểm chúng ta, nhà văn nên có ý thức về chính trị. đây cũng chính là điểm mà anh Nguyễn Mộng Giác đôi lần tỏ ý băn khoăn về tôi, bởi vì đối với phần lớn các nhà văn, chữ "chính trị"bao hàm những ý nghĩ không mấy tốt đẹp. Nói tới chính trị là người ta nghĩ tới "thủ đoạn" . Nhưng nếu chúng ta có "thủ đoạn"để cho người xấu không thể hành hạ người tốt, để cho xã hội tốt đẹp hơn, trên ra trên, dưới ra dưới, nhà văn viết những tác phẩm hay hơn, nhà giáo dạy học tốt hơn, nhà binh không lo đến việc phe cánh, bọn tham nhũng không ló mòi ra được, bọn gian thương hết cục cựa, quan toà ra dáng ông toà, bác sĩ không ham mở phòng mạch...thì nên có những "thủ đoạn"như vậy. Sao lại cản ? Sao lại sợ ?
Tôi không nghĩ những bài viết mà anh đề cập đến là những bài nghị luận chính trị. Nghị luận, tham luận, khảo sát chính trị nên để cho những người làm chính trị viết, không phải nghề của nhà văn. Nhưng cũng không thể cấm một nhà văn, dùng văn chương là ngôn ngữ chính để diễn tả một vài sự kiện liên quan đến chính trị. Tôi không thấy cần xếp loại những bài viết này, mà điều quan trọng là tôi đã chạm được đúng đến vấn đề trong các bài viết của tôi chưa ?
Thói quen cầm bút của tôi, trước tiên là suy nghĩ thật kỹ về đề tài tôi định viết. Chọn những hình ảnh bắt mắt liên hệ tới đề tài, rồi dùng những hình ảnh này để dẫn những suy nghĩ, những ý tưởng trong đầu. Có khi suy nghĩ cả tuần mà khi ngồi xuống viết chỉ viết trong một buổi tối mà thôi. Suy nghĩ thì đâu có cần đòi hỏi tới nơi chốn, khung cảnh. Suy nghĩ ở trong đầu, nếu còn cần ngoại cảnh thì có khi ngoại cảnh chi phối cả những suy nghĩ của mình chăng ? Tôi làm việc thợ tiện, ca đêm, để không buồn ngủ, mỗi khi bấm cái nút cho máy chạy, tôi ngồi xuống và nghĩ ngợi xa gần, riết rồi tiếng máy không còn ứng được vào trí tôi. Cuốn "Ngày N +..."được tôi viết trong xưởng tiện, cuốn "Thư Không Người Nhận" được viết trong lúc bán hàng chợ trời, không có khách. Phần đầu của "Người Trăm Năm Cũ" được suy nghĩ và viết trong những lúc lang thang trên đường, suốt hai năm trời không có địa chỉ nhất định. Trước kia tôi viết bằng bút, tôi có thể viết tại bất cứ chỗ nào, bàn ăn, ghế đá công viên, trên tay lái xe, nằm dài trong sa lông phòng khách, thậm chí còn ghi chú trong phòng vệ sinh. Bây giờ viết bằng máy vi tính, nên phải ngồi vào bàn cẩn thận hơn, thế thôi. Tôi không kiểu cách phải có phòng yên tĩnh, vì nói nào ngay trong khoảng 15 năm nay, tôi không bao giờ có một căn phòng cho riêng mình.
Hoàng Khởi Phong
Nhà văn
Trần Thị Kim Lan
trả lời ba câu hỏi chung, về sáng tác
(tạp chí Văn Học số 123 tháng7 năm 1996)
Vì sao viết ?
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều sống, ghi nhận sự việc cảnh đời và diễn đạt ý tưởng, tâm tư bằng cách này hay cách khác. Như một thôi thúc người ta viết, viết mãi.
Viết để làm gì ?
Tôi nói lên tâm tình của người sống xa xứ cùng quá trình thích nghi trong hoàn cảnh xã hội mới. Tôi ca ngợi tình người,. Tôi tin tôi viết thoải mái tự nhiên và phần lớn do ngẫu hứng. Vì chưa có ước vọng trở thành nhà văn chuyên nghiệp nên tôi ít có công trình đóng góp trong lãnh vực này.
Viết cho ai đọc ?
Thật ra tôi chưa bao giờ đặt điều này thành vấn đề. Mỗi độc giả đối với tôi là một ân nhân của người viết. Xin cảm ơn tất cả những ai muốn đọc những sáng tác của tôi.
Trần Thị Kim Lan
Nhà văn
Trần Doãn Nho
trả lời nhà thơ Phan Việt Thủy
(tập san Việt số 5 đầu năm 2000)
(Yếu tố quan trọng khi sáng tác) Nói chung , để hoàn thành một tác phẩm, mọi yếu tố đều quan trọng : tri thức, thói quen, nổ lực, cảm hứng...Nếu phải chọn một cái gì quan trọng nhất, tôi cho rằng đó là tri thức và nổ lực. Tri thức giúp cho nhà văn có được đề tài và phát triển đề tài đó trên nhiều mặt khác nhau. Tri thức cũng giúp nhà văn tổ chức lại những kinh nghiệm phong phú của mình. Còn nổ lực giúp nhà văn hoàn thành được tác phẩm. Trong điều kiện đặc biệt hiện nay ở hải ngoại, nơi có nhiều yếu tố cản trở chuyện viết lách (thiếu thì giờ, không nhuận bút, thiếu độc giả, thiếu sự khích lệ...) không có nổ lực thì rất khó tiếp tục viết.
(Ðiều quan tâm khi sáng tác)Khi viết một truyện ngắn, quan tâm nhiều hơn hết của tôi là phần ý tưởng. Chính nó quy định đề tài, cấu trúc cũng như các yếu tố khác như nhân vật, cốt truyện. Nó cũng giúp tôi đi tìm chất liệu trong cuộc sống và đồng thời giúp tôi đào sâu thêm kinh nghiệm của chính mình. Một số nhân vật cũng như cốt truyện của tôi thoát thai từ một ý tưởng nào đó. Trong hầu hết các trường hợp khác, cuộc sống gợi hứng cho tôi. Nhưng dù vậy, trước khi viết, tôi cũng cố gắng tập trung những chi tiết cuộc sống vào trong một ý tưởng chung nào đó. Chính điều này giúp tôi bớt lạc hướng khi viết. Tuy thế, có lẽ cũng chính điều này nhiều lúc chi phối cảm quan của mình khiến không khí truyện của tôi có phần khô đi chăng ?
(Thói quen) Tôi bận bịu với công việc làm suốt tuần (từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm hàng ngày), nên việc viết lách thực sự bao giờ cũng thực hiện vào cuối tuần. Tôi nói thực sự, nghĩa là lúc chính thức viết hay gõ trên computer. Nhưng để có gì mà gõ hay viết, tôi tích lũy suốt tuần. Trong khi làm việc, tôi suy nghĩ về đề tài, nhân vật, cấu trúc tác phẩm, cách viết...Nếu có chút giờ rảnh, tôi ghi vội lên giấy để dành . Tóm lại, tôi viết trong đầu. Cuối tuần, tôi viết lên giấy, viết tất cả những gì tôi tích luỹ được. Khi tác phẩm hoàn thành (một truyện ngắn, một bài tiểu luận), nghĩa là có đủ đầu đủ đuôi, tôi mới bắt đầu gõ lên computer, Thường thì gõ nguyên con những gì tôi ghi được trên giấy. Sau đó in ra và tiến hành sửa chữa, từ lỗi chính tả đến câu kéo, ý tưởng trên bản thảo. đối với tôi, việc sửa chữa rất quan trọng. Nói sửa chữa chứ thực ra, rất nhiều lần tôi sáng tác ngay trên bản thảo của mình. có trường hợp, phần sửa chữa thay đổi toàn bộ văn bản nguyên thủy.
Trần Doãn Nho
Nhà văn
Nguyễn Thụy Long
trả lời nhà báo Lê Phương Chi
(tạp chí Ðất Mới - Montréal Canada - số 10 bộ 2 tháng 10 năm 1990)
- Sao từ ngày ra tù đến giờ anh không viết lại ?
Tôi đã làm đủ nghề để kiếm sống, trừ viết. Vì được nghe người ta viết bài chửi mình từ trong tù, tôi thấy viết khó quá. Tôi đã đi mua ve chai, đi sửa xe đạp lề đường, đi nhặt bao nylon, đi xe đạp thồ gạo từ Long An về bán lậu ở thành phố, đi làm bảo vệ giữ ao cá ở quận Tân Bình (phường 23) vì người ta thấy tôi thất nghiệp gọi cho làm. Mỗi ngày đẩy xe phân heo đổ cho heo ăn, trông chừng những người đi cầu, xem có ai bắt trộm cá không ? Ðêm đi tuần quanh ao cá. Lương mỗi tháng 3000 đồng, mà tháng trả tháng khất. Mỗi lần họ tát cá, tôi được một mớ cá để bán lấy tiền cải thiện. Tôi đã viết một truyện ngắn "Lý Cá Tra", có dịp sẽ đưa anh đọc chơi. Vì lương tháng có tháng không, đói quá tôi không làm nữa. Gần đây, tôi cũng có nhờ người quen giới thiệu, tôi chạy bỏ mối bia, nước ngọt, cuộc sống cũng dễ thở phần nào. Tôi luôn luôn có ý định tìm cách để viết lại.
- Anh có dự định viết truyện dài ?
Có chứ ! Tôi có tham vọng sẽ viết lại những gì đang thôi thúc trong đầu. Tôi sẽ ghi lại những gì tôi biết từ năm 1945 đói ở miền bắc, rồi trong cách mạng tháng tám chống Nhật, kháng Pháp, đến cuộc di cư 1954, đến đời sống trong Nam và ngoài Bắc và những gì còn rơi rớt lại trong này và ngoài kia mà tôi được biết trong cuộc chiến đó, có những dòng họ đã ngã xuống từ bên này hoặc bên kia Bến Hải, nhiều dòng họ điêu linh, những người di tản, nhiều người ở lại. Cả những điều tốt lẫn điều xấu...
Ðồng thời tôi còn những truyện ngắn, những truyện này có truyện đăng được và những truyện chưa đăng được. Bối cảnh những truyện đó đều đen tối, nhân vật đều xưng tôi. Cũng nên nói để anh biết, là trong thời gian tôi viết các truyện ngắn này, cất rải rác nơi này nơi nọ trong chỗ nằm. Vợ tôi, người vợ gặp sau khi ra tù 1981, đã nhân lúc cơm không lành canh không ngon, dọa đem những truyện ấy ra tố với Công An. Tôi đã phải xuống nước năn nỉ, chịu thua trận. Sau đó tôi đem giấu tản mác nhiều nơi, mất khá nhiều. Viết lại hơi khó.
- Anh có dự định cho in lại những tiểu thuyết cũ ?
Có thể. Nhưng xin giấu tên nhà xuất bản nhé. Tôi sẽ được một nhà xuất bản cho in lại "Loan Mắt Nhung""Kinh Nước Ðen""Sầu đời". Và có hai tiểu thuyết được tôi viết thành kịch bản phim. Nói bây giờ hơi sớm, nhưng tôi cũng xin tiết lộ. Ðó là cuốn "Gió Hú" được đạo diễn KN dựng thành phim, và một truyện phim rút trong vài tác phẩm cũ của tôi, lấy tên là "Tình Thù Ðối Mặt", có sự góp sức của Lê Cung Bắc, được đạo diễn trẻ XC dựng thành phim. Nhưng đó là chuyện tương lai...
Nguyễn Thụy Long