ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...
Nhà
văn Lê Minh Khuê
trả lời báo Thể Thao Văn Hóa tháng 2-2001
...Nhà văn thế hệ trước viết dưới một ánh sáng vĩnh cửu. Họ nghĩ đến một sự khẳng định, một vị trí tất yếu trong tương lai. Còn mình, chỉ viết cho giây phút này, cho ngày hôm nay. Viết cũng như là sống vậy. Biết ngày mai người ta có đọc mình hay không? Nhà văn trước kia có thể viết rồi cất vào ngăn kéo và hy vọng giá trị của nó trong tương lai. Còn mình viết ra, chỉ mong có bạn bè thân thiết, con mình đọc, tại thời điểm này, là thắng rồi. Làm sao bắt số đông phải quan tâm đến mình được? Và tôi rất sợ những người sáng tạo “tinh tướng”
....Nhà văn phải năng động, luôn đương đầu với mọi chuyện, và khi ngồi viết cảm thấy sung sướng, vì đã dành được một chút thời giờ cho công việc yêu thích. Nhưng nhà văn của ta thường phải xé lẻ cho nhiều công việc, tâm lý họ thường không được chuẩn bị để chỉ sống bằng văn chương.
.....
Nhà văn Lê Minh
Khuê
tra lời báo Nông Thôn Ngày Nay
Văn chương thực sự là khi người ta đọc xong còn muốn sống tiếp, tác phẩm phải có một cái gì đó để người ta đỡ thấy kinh khủng. Trong tôi cũng có một kẻ nổi loạn, nhưng cứ nghĩ đến con cái, tôi lại thôi. Tôi chuyển khát vọng ấy vào từng truyện ngắn nên các tác phẩm của tôi chứa đựng nhiều yếu tố bất thường".
Nhà
văn Bùi Anh Tấn
trả lời báo đẹp
...Khi cầm bút, tôi thích khai phá những vùng đất mới. Cái mới thường khó khăn nhưng kích thích tôi. Với tôi, cầm bút đã là sự phiêu lưu. Tôi là người vô thần, nhưng khi đặt bút viết câu chuyện này thì tôi gạt vấn đề vô thần hay hữu thần qua một bên, và tôi chỉ tâm niệm rằng mình đang là một nhà văn.
Nhà
văn Trần thị Thùy Mai
trả lời báo Thể Thao Văn Hóa
...Giữa "viết về những điều mình từng trải nghiệm" với "lấy chuyện mình ra để viết" vẫn có chút khác nhau về ý nghĩa. Nhưng cả hai cách nói đó cùng nhấn mạnh một ý: Người viết không thể dựng nên nhân vật mà không lên thác xuống ghềnh cùng nó. Ví dụ, Jack London viết về thế giới vàng vì bản thân ông ấy từng là người đi tìm vàng.
Theo chị, hạnh phúc của một người phụ nữ viết văn là gì? Là được viết và được duy trì nguồn cảm hứng để nuôi dưỡng ngòi bút của mình. Hạnh phúc của người phụ nữ viết văn giống như niềm vui của cái cây được mọc lên trong đất và khí trời để sống. Niềm hạnh phúc ấy giúp tôi sống và vượt qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời.
...Mỗi người viết có một cái gu riêng. Tôi chỉ viết về những gì mình nghĩ, mình thích, những gì gắn bó thật sự với mình. Khi viết về tình yêu, tôi không có ý định khai thác nó như một đề tài ăn khách và dễ viết. Tôi cũng không muốn thể hiện tình yêu như một cõi viễn mộng để trốn tránh cuộc đời mà muốn thể hiện nó như một động lực của sự sống, biểu hiện tối ưu của tính nhân văn. Mà tính nhân văn luôn là cốt lõi của văn học
Có lúc nào chị cảm thấy buồn nản đến mức muốn bỏ bút?
- Tôi không thích cách nói "viết không phải là nghề mà là nghiệp". Với tôi, viết là một nghề. Nó giống như mọi nghề khác ở chỗ phải có kỹ năng và lương tâm. Chẳng hạn, người thợ mộc đóng một cái ghế thì không phải chỉ cần tay nghề mà còn phải có tấm lòng, làm sao cho ghế được bền đẹp, không làm cho người dùng thất vọng. Viết văn cũng vậy. Đã đành là sống bằng nhuận bút nhưng cũng phải gắng công làm ra thành phẩm của mình với tất cả tâm tư. Vì thế, trong cuộc đời tôi đã có nhiều lúc buồn nản nhưng chưa bao giờ thấy chán viết, chưa bao giờ muốn bỏ bút.
Nhà
văn Nguyễn Quang Sáng
trả lời báo Thanh Niên
...Tôi thích nhất là viết truyện ngắn. Từ truyện ngắn, nếu có yêu cầu, tôi sẽ chuyển thể thành kịch bản phim dễ dàng. Mới đây, Hãng phim truyền hình TFS đã gợi ý để tôi chuyển thể Con khỉ mồ côi (trong tập truyện Con mèo Fujita, Giải thưởng Hội Nhà văn VN 1993)thành kịch bản phim. Còn tiểu thuyết, muốn viết phải có nhiều thời gian và vốn sống, dữ liệu.
....Trước khi ngồi vào bàn viết, bao giờ tôi cũng nghe nhạc. Đang viết mà mất hứng, tôi cũng nghe nhạc. Hồi làm biên tập viên văn nghệ Đài Tiếng nói VN, tôi phải nghe rất nhiều nhạc để chọn bản thích hợp cho buổi phát thanh. Đến bây giờ, khi làm kịch bản phim, tôi cũng hay gợi ý với đạo diễn để chọn nhạc sĩ cho phim. Chẳng hạn, chất nhạc của Hoàng Hiệp phù hợp với phim Mùa gió chướng, còn Trịnh Công Sơn phù hợp với Cánh đồng hoang, Pho tượng giữa đồng.
Nhà
văn Chu Lai
trả lời báo Phụ Nữ Thủ đô
Nghề viết đòi hỏi tính lên cơn. Tạo sự lên cơn mới lâu chứ khi chạm cơn rồi thì có bao nhiêu năng lượng được thai nghén đều cho ra hết. Tôi viết Nắng đồng bằng mỗi ngày... một chương. Năng lượng từ đâu à? Thật kỳ diệu, nguyên nhân có lẽ từ một người phụ nữ. Hồi đó tôi viết ở Đà Lạt, viết xong chương nào đưa cô ấy biên tập luôn chương ấy. Không ngờ, cô ấy biên tập cả đời mình luôn.
...Không có phụ nữ thì đàn ông sống cũng chẳng để làm gì, huống chi cánh nhà văn chúng tôi. Phụ nữ là nguồn cơn của mọi sự vui buồn, yêu ghét, thất tình... trên cõi đời này. Tôi cầm bút suốt đời cũng là để cho phụ nữ và trẻ em đọc, vì họ rất tinh tế và nhạy cảm. Văn chương có thể bỏ được chứ phụ nữ thì... không bao giờ!
...Năng lượng văn chương không giống những thứ năng lượng khác. Có nhiều nhà văn càng cuối đời viết càng hay, càng vượt bậc. Chỉ có điều, tuổi về già thì viết cũng nhọc nhằn và trễ nải hơn, không còn lên cơn được nhiều như cái hồi trẻ nữa.
nhà
văn Ma Văn Kháng
trả lời đài truyền hình VN đăng lại từ VNExpress
Tôi có thói quen quan sát và ghi chép tỉ mỉ. Chính những vùng đất tôi đã sống và đã đi qua, những con người hiền hậu, trong trẻo, hồn nhiên, giàu tình cảm đã thôi thúc tôi viết nên Đồng bạc trắng hoa xoè, Mưa mùa hạ, Vùng biên ải... Còn chất liệu? Không phải đi đâu tìm mà nó có sẵn trong cuộc sống hàng ngày. Tôi luôn tâm niệm sống rồi mới viết, quan trọng là sự trải nghiệm của bản thân, của suy ngẫm trước cuộc sống.
...Văn học phản ánh cuộc đời theo cách riêng của nó. Tôi hay viết về gia đình vì với tôi, gia đình là cái thực tế đều đặn, lâu dài và không thể thiếu.
Nhà
văn Tô Hoài
trả lời báo An Ninh Thế Giới
Ông đã đến với nghiệp văn như thế nào?
- Cả tuổi thơ tôi sống với mẹ và các dì, trong nhà không có đàn ông. Cái việc đi học của tôi rất tình cờ. Một bà dì trong lần đi chợ hội làng tháng tư, gặp mấy anh chàng Hà Nội về chơi hội. Một anh muốn lấy chỗ đi lại nên nói với gia đình xin cho tôi đi học ngoài Hà Nội. Thế là tôi đi học. Tôi không được cái học hành như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi nhưng ngay từ nhỏ đã rất thích đọc. Vớ được gì cũng đọc. Dù là tin tức, hộp thư hay quảng cáo, mỗi thứ đều có cái hay, có thể học tập được.
...Ai khi viết cũng phải có ý định gì đó. Khi viết, tôi cũng làm dàn bài mặc dù biết sau đó sẽ thay đổi. Khi viết sẽ ra hiện thực và hiện thực ấy sẽ thay đổi dự định ban đầu. Cái lôi cuốn tôi là quang cảnh chứ không phải nhân vật - quang cảnh với tâm trạng của nó. Tôi viết kém về nhân vật. Nam Cao viết nhân vật rất hay…
...Nói thật, tôi không thích những cái đã viết. Ngày xưa, tôi hay đùa Nguyên Hồng là cả đời ông cứ khiêng cả đống bản thảo trên lưng. Nguyên Hồng giữ gìn bản thảo cẩn thận lắm, đi đâu cũng tha theo. Tôi nghĩ chả để làm gì. Viết xong rồi là xong.
Ông có khó khăn khi nghĩ ra những câu văn không? Anh Trần Ninh Hồ nói, ông viết như "đan len". Phục nhất là khi ngồi họp, ông cũng “đan len” được ? Trần Ninh Hồ nói cũng xác đáng thôi. Tôi viết đấy, nhưng vẫn nghe được. Phải chống lại sự lười biếng bằng cách viết. Lao động văn chương rất cực, bởi cái nghĩ ra thì rất ghê, nhưng khi cầm bút viết lại phải tìm ra chữ, mà chữ nó có ra đâu?
Tôi viết nhanh nhưng sửa thì lâu, sửa kinh khủng lắm. Anh Nam Cao viết không sửa, câu văn đã chín sẵn trong đầu. Trong khi đó, bản thảo của tôi thì chi chít nhằng nhịt. Tôi thường phải viết bản thảo đến ba bốn lần. Cái nào quan trọng, tôi đều đi khỏi Hà Nội để viết. Cuốn tiểu thuyết Giăng thề đầu tiên của tôi được viết ở Dầu Tiếng (Tây Ninh), năm 1943
Nhà
văn Nguyễn Kiên
trả lời báo Người Lao động
Ông có cho rằng các tác phẩm thành công thường được sáng tác không mấy vất vả vì cảm xúc đi suốt một mạch? Tôi nghĩ rằng tuỳ từng truyện mà mình có cảm xúc liền mạch. Tôi vốn không phải là người viết nhanh, đến nghĩ cũng phải thật chín rồi mới viết. Riêng chùm truyện rất ngắn Những hạt cỏ, chỉ 85 trang thôi mà tôi đã viết trong suốt 5 năm trời. Văn học là cuộc phiêu lưu vô tận đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, càng mới càng tốt.
...Tôi nghĩ, những ai đã có duyên nợ với văn chương không dễ rời hẳn mảnh đất này. Khi đã qua những trải nghiệm cuộc sống, lòng yêu văn chương sẽ thôi thúc người viết cầm bút trở lại. Viết văn không phải là một công việc bắt buộc. Sự tự nguyện dấn thân cam kết ở một thời điểm nào đó bùng lên mạnh mẽ, nhưng cũng có những lúc chẳng là gì cả.
Nhà
văn Phạm Hải Anh
trả lời báo Người đẹp
Nói văn chương đa đoan là oan cho nó. Chỉ có những người đa đoan mới hay tìm đến văn chương thôi. Tôi hình dung cuộc sống như một con sông chảy, khi an nhiên bình lặng, lúc đau đớn hiểm nguy. Tôi yêu cái đẹp trong sự giản dị của nó...
Đối với truyện ngắn hiện đại bây giờ, chuyện nhà văn kể không quan trọng. Quan trọng là anh ta tạo ra được một không gian. Khi đọc xong một truyện ngắn, người ta có thể quên đi cả cốt truyện, nhân vật nhưng nếu truyện đó có thể gợi lên cảm xúc, ngay cả một cảm giác về sự dở dang thì tôi cho rằng như thế đã là thành công...Tôi thích kiểu viết như thế. Tôi không thích những kết thúc hoàn chỉnh trong đó câu chuyện đã được khép lại. Tôi nghĩ một kết thúc hay phải mở ra cái gì mới, nghĩa là bản thân nó đã mang mầm mống của sự dở dang, cuộc đời là thế.
...Tôi thường viết với tất cả cảm xúc nên viết ra rất nhanh. Nhưng sau khi hoàn thành một truyện bao giờ tôi cũng thuộc từ đầu đến cuối. Và có thể kỹ đến nỗi gọt từng âm, đọc lên thấy có gì không ổn là lại thay, có khi một truyện chỉnh sửa cả tháng trời.
Nhà
văn Nguyễn Mạnh Tuân
trả lời báo Thanh Niên
....Người cầm bút nên bắt rễ vào chính cái xã hội mình đang sống, khi ấy, người viết mới đạt chữ tâm và tác phẩm mới có tầm. Thêm nữa, cũng đừng hốt hoảng trước phê bình. Phê bình chỉ có tác dụng uốn nắn chứ không đào tạo nên nhà văn....Hiện thực cuộc sống thường đòi hỏi nhà văn phải có dũng khí. Hầu như mọi tác phẩm của tôi đều đụng chạm đến những vấn đề xã hội gai góc
...Thế hệ chúng tôi khi bắt đầu cầm bút là viết về những người xung quanh mình. Lúc về già, chiêm nghiệm cuộc đời đã đủ, mới dám quay về bản thân. Còn các nhà văn trẻ bây giờ thực hiện quy trình ngược lại. Viết về mình quá sớm sẽ rất khó đi xa trong nghề.
...Nghề văn dựa trên sự tìm tòi, từ các bức xúc của bản thân mà nên tác phẩm. Thật vô lý khi than vãn là không có điều kiện làm việc, đợi phải có tài trợ, có đặt hàng mới cầm được bút. Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ khi chỉ có nắm xôi chim chim cầm hơi mỗi ngày. Dostoievski viết Dưới hầm xay lúa trong điều kiện thiếu dưỡng khí. Trước mọi sóng gió cuộc đời, nhà văn vẫn tự chủ làm việc. Nhiều bạn bè bảo: "Ông Tuấn chỉ ở nhà viết kiếm tiền, không đi chơi, đi nhậu". Tôi thấy phần đời đã sống qua thật phong phú, xúc cảm mạnh mẽ, đã thấm đủ, đã đạt mức nhập thiền. Bây giờ không chịu viết thì còn muốn gì?
Công việc viết lách tiêu hao năng lực kinh khủng. Một đời viết mà được chừng 10 tiểu thuyết đã là khá. Nhưng viết được 100 cái truyện ngắn ra hồn thì lại khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vì để nghĩ ra 100 motif đòi hỏi một vốn sống rất lớn. Mặt khác, tôi cũng rất thực tế. Một tiểu thuyết 300 trang hiện nay chỉ có thể in với số lượng 1.000 cuốn, nhuận bút 4 triệu đồng, viết và hoàn chỉnh cho tới khi tạm ưng ý hết gần một năm. Trong khi đó, mỗi tập kịch bản phim truyền hình trong bộ phim 30 tập như Hướng nghiệp thì tôi được trả 5 triệu đồng. Khi tính tới giá trị đóng góp của tác phẩm với xã hội, một bộ phim 1 triệu người xem hiệu quả hơn hẳn một quyển tiểu thuyết chỉ có 1.000 người đọc. .
(còn tiếp)