Ngh h bc,

vài ba ch dùng trong gii bình dân

Lương Thư Trung

 

 

 

 

 

 

          Trong lời tựa cuốn “Văn Minh Miệt Vườn”, Sơn Nam có viết “văn minh là nếp sống vật chất, là ăn, mặc, ở, cách thức sinh nhai.”(1) Là một người lớn lên ở miệt vườn ấy với địa thế đất ruộng bao la của một cõi Nam phần được tưới tràn một mạng nhện sông rạch chằng chịt, chúng tôi biết được “cách sinh nhai”, một mảng văn minh ở miền này, ngoài nghề chánh là làm ruộng, còn có nghề bắt cá mà ông bà xưa thường gọi là nghề hạ bạc.

Nói về nghề bắt cá, thật ra, người ta không biết nó có từ thời nào; nhưng chắc chắn là nó được biết đến khi con người bắt đầu có đời sống ở một vùng sông rạch hay vùng biển nào đó. Vì sự cần yếu của đời sống, con người phải chế biến ra cách tìm kiếm thức ăn cho mình. Cơm gạo không chưa đủ, còn phải cần nhiều thức ăn phụ khác, trong đó có cá thịt và nhiều cây trái rau cỏ chung quanh nơi mình đang sống. Chính vì vậy mà dân quê miệt đồng bằng sông Cửu Long không ai là không biết bắt cá tôm và điều đáng nói là người ta bắt cá bằng cách nào và làm sao biết được những đặc tính của từng loại cá tôm mà biến chế ra từng dụng cụ để cho thích hợp với mỗi loài trong “cách sinh nhai” ấy, quả là một nét riêng cần được nhìn lại một mảng văn minh thường bị quên lảng.

Nghề hề hạ bạc, một nghề không được coi trọng. Chẳng những thế mà nghề này lại không khá như nhiều nghề khác và cực khổ vô cùng. Lưới chài còn ướt là còn tiền; khô câu, khô lưới, khô chài là bắt đầu thời kỳ túng quẩn. Nhiều người làm nghề này không mấy ai giàu một đời chứ đừng nói “giàu ba họ”. Theo quan niệm xưa, đây là một nghề thấp hèn và không kém phần vất vả, nguy hiểm nhất trong mọi nghề; nên mới có tục ngữ “nhứt phá sơn lâm, nhì đăm hà bá”. Trong Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ còn giải thích làm hai nghề này về sau sẽ tàn mạt. Xem thế, sống với nghề bắt cá là sống với một nghiệp chướng di hại về lâu về dài sau này. Nhưng vì miếng cơm, vì đời sống, người nhà quê cũng không khước từ nổi dù biết chắc là không khá khi bắt cá sống bán cá chết nhiều vô số kể.

Hai chữ  “hà bá”(2) là một điển xưa bên Tàu, chỉ  tên một vị thần ở sông có tên là Phùng-Di có tài trị thủy rất giỏi, khi đi ngang qua sông bị đắm thuyền chết, Trời mới phong cho chức Hà-Bá. 

Dù là nghề hạ bạc, nhưng cũng có ông tổ như mọi nghề khác. Vì nghề câu lưới gắn liền với nước sông hồ nên ông tổ của nghề này không ai khác là “Bà Cậu” và dân chài lưới mỗi khi ra nghề thường van vái “Bà Cậu” phò hộ cho sóng êm gió lặn và bắt được nhiều cá tôm.

“Bà Cậu” chính là “bảy bà ba cậu”, gồm “Bà chúa Tiên, bà chúa Ngọc,, bà chúa Xứ, bà chúa Động, bà Cố hỉ, bà Thủy, bà Hoả; cậu Trầy, cậu Qúi đều là con của bà chúa Ngọc, làm bạn với một vị thái tử Trung quốc mà đẻ ra, cả thảy đều là thần quỉ hay làm họa phuớc; còn có cậu Lý, cậu Thông, nhưng nói theo vần kể có ba cậu. Về hai người sau không rõ tông tích”.(3)

Ngoài việc van vái “bà cậu” như một vị tổ của nghề mình như vậy, dân thương hồ cũng như người làm nghề chài lưới miệt sông Cửu Long, nhất là các vùng cù lao Ông Hổ, cù lao Ông Chưởng thuộc An Giang còn van vái thêm ông Năm Chèo, như một vị thủy thần ở vùng này luôn gây nhiều tai họa cho ngư dân trong vùng và được coi là một trong những vị khuất mặt được dân chài lưới vái van khi hành nghề .

Về sự tích ông Năm Chèo, theo ông tác giả Nguyễn Văn Hầu, những người lớp trước nói lại, số là có ông Đình Tây, người cận kề đức Phật Thầy Tây An khi ngài còn tại thế, một hôm ngài sai ông Đình xuống Láng Linh, một trại ruộng của Phật Thầy, giúp đỡ đẻ cho một sản phụ vì chồng đi bắt rùa rắn nuôi gia đình chưa về. Khi người chồng về, biết ông Đình giúp đỡ gia đình mình như vậy, bèn tặng ông Đình một con sấu con rất lạ kỳ. Con sấu có năm chân, mình màu đỏ với nhiều chấm bông hoa lốm đốm. Ông Đình trả tiền cho người nông dân này vì nhà nghèo và đem con sấu về nuôi chơi .

Khi ông Đình mang con sấu về, Phật Thầy xem qua, bảo là con quái vật, phải trừ đi, nhưng ông Đình thương con sấu quá, bèn giấu thầy, đem con sấu xuống trại ruộng Xuân Sơn nuôi tiếp. Con sấu năm chân này có sức lớn phi thường. Sau một đêm mưa gió lớn, nó đã bứt gãy xích sắt và đi mất. Ông Đình buồn lo quá vì không biết hậu họa như thế nào khi con sấu năm chân này lớn thêm nữa. Ông mới bèn thú thiệt với Phật Thầy và xin tạ lỗi. Phật Thầy rất buồn bã và sau đó ngài mới trao cho ông Đình một cây mun, một lưỡi câu và hai cây lao, tất cả đều rèn bằng sắt, rồi dặn ông Đình nên cất các vật dụng này phòng khi con quái vật này xuất hiện.

Thời gian rồi cũng qua, Phật Thầy tịch, bỗng một mùa lụt nước dâng ngập ruộng nương nhà cửa, sấu năm chân nay đã quá lớn , trườn lên vùng Láng Linh rượt bắt thiên hạ làm náo động cả một vùng. Dân trong vùng lại báo với ông Đình. Ông Đình mang “bửu bối” tới. Sấu biến mất dạng. Từ đó, mỗi khi có sấu năm chân xuất hiện, dân trong vùng cứ đồng loạt hô lớn “Bớ ông Đình! ông Năm Chèo dậy!”, tức thì con sấu thần biến mất. Nhưng để trừ hậu họa về lâu, ông Đình về Láng Linh rình bắt sấu hoài mà không gặp. Lần sau cùng, ông Đình mới vừa nói, vừa như hăm dọa :”Nếu sấu thần chưa tới số, thì từ nay nên yên lặng, đừng nổi lên phá hoại xóm làng. Còn như mạng căn đã hết, thì hãy sớm chịu oai trời, đừng để phải phiền ta!”(4)

Từ đó, ông Năm Chèo không còn xuất hiện miệt Láng Linh nữa, nhưng danh ông được truyền tụng khắp vùng và nhất là miệt sông cái với các vịnh sâu trên sông Cửu Long như Vàm Nao, Chợ Vàm, Bình Phú (Mặc Cần Dưng), Chưn Đùn, Cái Hố, vịnh đất lỡ ở Tân Châu và nhiều vịnh nước sâu khác, dân thương hồ và chài lưới đều ớn ông Năm Chèo nhận chìm ghe xuồng mỗi khi phải đi ngang qua các khúc sông đó.

Có tổ như vậy tức là đã có căn gốc, nhưng như mọi tiến bộ khác của loài người, việc chế biến dụng cụ trong nghề bắt cá nó cũng khế hợp với từng môi trường. Cá trên sông dùng dụng cụ có khác cá trên đồng. Chính vì thế mà dân quê tự tìm cách chế biến lấy các dụng cụ cho phù hợp. Nhưng việc chế biến không dễ, nó đòi hỏi nhiều kinh nghiệm mà nhứt là óc quan sát, tìm hiểu từng đặc tính thói quen trong việc đi lại của mỗi loài cá của mỗi vùng. Do vậy mà mới có tình trạng mùa này, vùng này, xài câu lưới này nhưng vùng khác lại không dùng được hoặc có dùng thì cũng không bắt cá được nhiều.

Nghĩ về cách chế dụng cụ câu lưới ấy là đã vượt lên một mức tiến bộ nếu không muốn nói là đã có dụng tới trí não rồi. Mà đã có dụng cụ là có tên gọi, nhờ đó ngôn ngữ Việt đã có thêm nhiều từ ngữ mà lúc đầu chỉ để diễn tả cái công việc, lâu dần thành cái nghĩa và qua nhiều đời thành cái chữ có trong các bộ từ điển tiếng Việt để nhiều đời biết mà tra cứu.

Thí dụ thì nhiều vô số kể, nhưng ở đây xin dẫn ra vài trường hợp để làm y cứ. Chẳng hạn chỉ riêng về việc dùng đăng để chận bắt cá tôm thôi cũng đã sinh ra nhiều từ ngữ riêng rất rành rẽ. Nếu đăng ngang sông thì gọi là “bửng”. “Bửng” thì cố định và có thể bửng ngang sông hoặc bửng một phần từ trong mé chạy ra khoảng một phần ba sông tùy theo bề rộng của sông lớn hoặc nhỏ. Trường hợp bửng một phần như vừa kể còn được gọi là “chà rào” vì phía trước cái bửng này người ta thường chất thêm chà cho ấm cái bửng và cá tôm sẽ có chỗ trú dựa.

Còn đăng ngang qua một con kinh, con rạch hay một cái mương dẫn nước vô ruộng khi nước lớn, rồi nhử mồi cho cá bắt mùi theo con nước vào mương và đến lúc nước ròng khô người ta dùng lọp hoặc rơm cuốn tròn lại làm trái lăn để dồn cá lại mà bắt cá, thì cách đăng này gọi là “đăng mương”. Trường hợp bao đăng chung quanh một bãi cỏ cặp mé rạch khi nước lớn và chờ nước ròng bắt cá tép thì gọi là “đăng mé”.

Còn đăng trên đồng băng qua nhiều vạt đất có khi đường đăng dài cả cây số thì gọi “ lọp đường ven”; đăng ngang cái lung nhỏ với tay đăng ngắn, có hai cái “lọp đặt chẻ đầu đăng” thì gọi là “đăng miểng”. Cá tôm rùa rắn trên đường đi kiếm mồi, hoặc lang thang theo dòng nước mát chơi cho vui lúc chiều tà gặp đường đăng đang làm cản trở, chúng liền lội cặp theo mé đăng để lần mò vượt qua chướng ngại vật này, kịp khi chúng vừa thoáng thấy hai đầu đăng có hai cửa trống, tức là hai cái miệng lọp đang được đặt sẵn, lò mò bò vô tưởng là thoát được, nhưng có ai ngờ tôm cá lại chạy vô lọp gọn ơ. Thành ra, đặt lọp chẻ đầu đăng có cái lợi là cá tôm ở phía nào cũng có thể lọ mọ bò vô lọp ráo trọi.

Nhưng việc chận đăng hay bửng không đơn giản chỉ trải đăng thẳng một đường dài hay chỉ bửng chận ngang sông là đủ. Trong đời sống, dân quê sống nghề hạ bạc còn để ý thấy các loại bửng ngang như vậy cá tôm khi lội đụng bửng thường hay bị dội lại và tìm đường khác để đi hoặc không thèm đi nữa, cứ lội lòng vòng chơi, nhất là những con cá già khi đã bị bửng đăng nhiều rồi lại càng giàu kinh nghiệm, nên không dễ dầu gì hễ bửng là bắt được những con cá lớn như vậy. Do đó chúng chạy vô các cái lọp đặt theo mé đăng rất ít. Lúc bấy giờ người ta mới nghĩ ra cách xây những cái “rọ” theo đường đăng.

Rọ vốn dĩ là chỗ hẹp như  cái ổ trong đời sống các động vật có vú hoặc bò sát như chuột, rắn. Đó là nơi ẩn cư cuối cùng của các loài động vật ấy trong các hang ngầm trong đất, người ta gọi là “ổ rọ”. Trong trường hợp này, rọ là cái ổ nhỏ, tương đối không có dấu hiệu gì làm cho cá nghi ngờ như miệng lọp nhỏ thó. Người ta xây những cái rọ hình vuông mỗi chiều khoảng từ một tới hai thước với cùng loại đăng như đăng bửng và dựa vào bửng bằng hai cái cửa nhỏ cặp mé đăng. Chỉ có điều bửng thì thẳng, rọ là hình tích làm cho cái bửng bớt dội; khi cá tôm lội dọc theo bửng chúng lần mò chưn đăng mà đi và gặp cửa rọ tưởng lối thoát, mừng qúa bèn len lỏi theo cửa ấy và chui vào. Trong cái rọ nhỏ này, cá tôm đâu chịu ở yên và lại lò mò tìm đường đi nữa vì lội bề nào cũng đụng đăng, tù túng qúa, mà cũng chẳng có lối nào thoát ra cho rộng hơn như sông sâu nước chảy. Khi đang tìm đường như vậy, chúng gặp cái lỗ duy nhất ở chưn rọ rộng chừng vài tấc, chúng men theo đó và rồi chuyện đời hết rọ là vô lọp là cái chắc. Xây rọ trên các đường đăng là cách bắt cá tôm chắc ăn nhất vì làm cho cá tôm đang sống trong vòng vây mà tưởng chừng được tự do bơi lội thong dong. Xây rọ là một trong nhiều ứng dụng của nghề hạ bạc không đơn giản dù nghe qua tưởng dễ ợt như vậy.

 Tưởng cũng cần nhắc thêm, trong nghề đặt lọp và đăng có nhiều từ ngữ khác nhau làm cho người không có qua công việc bắt cá bằng đăng không khỏi lấy làm lạ. Chẳng hạn, người ta thường hay gọi “đăng đó” để chỉ loại đăng trên cạn dùng cấp thời trong các vụ đuổi cá linh, cá ròng ròng, cá chạch hay những loại cá nhỏ ở trên cạn. Loại đăng này rẻ đăng rất nhỏ được chuốt rất bóng, chiều cao khoảng một thước hai tấc. Còn “cái đó”ù thì cao hơn nhưng không quá đầu đăng là bao vì loại đăng đó này thường chỉ dùng trên đồng nên không cần cao cho lắm. Rẻ đó cũng rất bóng và đặc biệt miệng hom càng bóng cá tép dạn chung vô hơn. Chúng tôi không biết từ đâu có danh từ gọi dụng cụ này là “đăng đó”ù, nhưng mỗi khi đi đuổi cá như vậy, người nhà quê thường hay hỏi nhau cắm đăng chỗ nào, hay chận đăng chỗ nào, thì có người cho ý kiến “cắm chỗ đó, chỗ đó”. Không biết có phải từ chỗ gọi như vậy, trong giới bình dân mới gọi loại đăng đuổi cá này là “đăng đó” chăng? Nhưng khi cũng cùng dụng cụ ấy để đặt dưới sông, cố định một chỗ không phải dời đi như đuổi cá trên đồng, với chiều cao theo chớn mực nước lên xuống sâu hoặc cạn, thì cái “đó” lúc bấy được gọi tên khác là cái “dớn”. “Dớn” là chữ nói trại từ chữ “chớn”, chớn nước (5).

Theo kinh nghiệm trong nghề bắt cá, trên các sông sâu nước chảy như sông cái hay các con rạch lớn, vào mùa nước đổ tháng năm kéo dài tới tháng 8, tháng 9 âm lịch, trên các dòng sông ấy cá tép nhiều lắm, nhất là tép bạc, cá linh non, cá lòng tong đá, cá lòng tong mương. Ngư dân biết các loại cá tép này thường có thói quen lần theo mé bờ để mà di chuyển từ vùng này qua vùng khác; chúng ít đi giữa dòng nước vì sức nước chảy mạnh, khó đi. Từ đó, người ta mới đặt những cái dớn cặp theo đầu voi đuội vịnh như vậy để bắt cá tép. Vì sợ miệng dớn lé đé mực nước, cá tép nhảy ra hết, nên người ta phải làm cái nắp để đậy miệng dớn; và muốn làm cái nắp như vậy phải coi mực nước ngập tới đâu để cái dớn phải ló khỏi cái chớn nước cao nhất còn in dấu trên các bậc thạch hoặc trên các da cây cặp bờ sông, thì cá mới không bị chết ngột. Chính vì căn cứ vào cái chớn nước như vậy nên cái đó trên đồng khi đem đặt dưới sông biến thành cái dớn. Vả lại cái đó không cần làm cái nắp vì đuổi cá trên cạn, và được cá thì đổ ra xuồng liền, không phải sợ cả nhảy ra.

Trong nghề câu cá hoặc lưới chài, miệt sông nước đồng bái cũng có nhiều làng chế biến ra lưới câu chài. Vùng Phong Mỹ thuộc Cao Lãnh, Cần Thơ Bé, xóm Chài thuộc Cần Thơ, Lai Vung thuộc Sa Đéc, Tân Châu, Châu Đốc thuộc An Giang là những vùng chuyên về bán lưới chài; còn các nơi như chợ Cái Sao, Rạch Gòi Bé, Rạch Gòi Lớn thuộc Long Xuyên thì lại sống với nghề uốn lưỡi câu danh tiếng lâu đời giống như miệt Tân Châu chuyên dệt lãnh Mỹ A nhuộm mặc nưa, miệt Định Yên thuộc quận Lấp Vò sống với nghề dệt chiếu, chầm nón lá chuyên nghiệp. Nghề lưới câu tạo ra nghề chế biến câu lưới và có lẽ những người sống về nghề đan lưới uốn lưỡi câu là những người đầu tiên bày ra phân loại và đặt tên cho các dụng cụ này để dễ gọi khi cần.

Chúng tôi không có bằng chứng nào xác thực nhưng thông thường vùng nào chế ra món hàng nào thường mang tên gọi quen thuộc ngay từ người chế biến ra món hàng đầu tiên ấy. Chẳng hạn lưỡi câu ông Năm ở rạch Cái Sao, Cái Dung thuộc Long Xuyên có tiếng giống như mắm ruốc bà Giáo Thảo ở Vũng Tàu. Loại lưỡi câu này do người uốn lưỡi câu có tên là ông Năm, rồi thành danh như vậy. Nhưng thực ra thì trong các loại lưỡi câu có hai dạng là lưỡi câu uốn và lưỡi câu đúc, tức là do cách chế biến của nó mà gọi tên. Đi vào chi tiết, tùy theo từng cách câu, từng loại cá mà có tên gọi các loại câu cá khác như câu giăng, câu cắm, câu cần, câu thả, câu phao, câu bè, câu nhấp, câu phược, câu rê, câu ngầm, câu vợt.

Rồi mồi câu cũng là một nhóm tên gọi rất phong phú, dĩ nhiên mỗi loại mồi thích hợp cho mỗi loại cá khác nhau như mồi trùn, mồi chạy, mồi cắt, mồi nhái, mồi tép, mồi lá cứt quạ,mồi rong đuôi chồn, mồi lá mã đề, mồi hột gòn, mồi lúa ngâm, mồi hột bưởi, mồi bắp hầm, mồi cơm nguội nghiền nhuyễn, mồi con bà chằn, mồi cua, mồi ốc, mồi trứng kiến vàng, mồi cào cào, mồi thuốc, mồi dừa khô, mồi cá nấu chín, mồi thằn lằn, mồi dế nhủi, mồi con rít...

Với mồi trùn là thông dụng nhứt, nhiều loại cá tôm thường ưa, nhưng cá dính câu thường thường là loại cá đen như cá trê, cá lóc, cá rô, tôm nhưng cá không lớn lắm. Mồi chạy để gọi những loại mồi bằng cá con dùng làm mồi mà còn sống như cá rô nhỏ, cá linh, cá rằm, cá ròng ròng. Mồi cắt là mồi các loại cá chết cắt nhỏ ra cho vừa miếng mồi. Mồi cắt dùng vào mùa đông khi tiết trời lạnh, cá ê răng nên thích loại mồi này, dễ ăn. Mồi nhái, mồi cóc thích hợp cho các loại cá lóc, nhứt là mồi nhái cá dạn ăn câu. Nhiều luồng câu vừa móc mồi qua vài lưỡi là đằng sau cá ăn câu liền. Các loại cá trê, cá trèn và cá thác lác rất ưa mồi tép. Còn cá mè vinh, cá vảnh lại ưa mồi lá cứt quạ, mồi rong đuôi chồn, mồi lá mã đề. Cá he thích mồi hột gòn ngâm cho mềm hoặc rang cho thơm. Mồi ốc, mồi cua cá lóc rất thích, nhất là vào tháng mười âm lịch; hai loại mồi này thường giăng câu ngầm, giường câu thả sát mặt đất sau khi dọn luồng thật sạch rong cỏ để cua khỏi quấn cỏ bị chết. Mồi hột bưởi đắc địa nhất với loại cá chài; còn mồi con bà chặn lại hợp khẩu vị của cá ngát.

Mỗi thứ mỗi đều ngon nhưng có lẽ loài tôm lại ăn sang có mồi dừa khô, ăn cực thì có mồi trùn, cả hai loại mồi dù sang hay cực cùng là một thứ để nhử tôm. Trứng kiến vàng hạp với loại cá rô; nhưng các loại mồi cào cào, châu chấu, mồi gạch cua, mồi dế nhủi cá rô cũng ưa lắm. Vào những ngày nước trên đồng bao la, những vạt đất lung cá rô lớn cư ngụ, người câu cá chỉ cần lấy cần câu quơ xào xạc vài lượt trên đọt lúa, ngay bên dưới cá rô bu lại đặt nước; lúc bấy giờ người ta chỉ cần móc mồi thả xuống là giựt cá là cá. Mồi rít bắt mắt mấy chú cá lóc không thua gì mồi chạy, mồi ốc, mồi cua, mồi nhái, mồi trùn. Dường như trong con rít có chất mỡ rất béo và hương vị đặc biệt nên cá lóc rất ưa, nhưng rít khó bắt nên gặp được mồi rít là người giăng câu mừng mà cá cũng mừng lắm. Còn mồi con gián lại hạp với cá ba sa, cá bụng. Cá lăng, cá leo, cá kết lại ưa mồi cá sặt.

Đặc biệt loại cá lăng còn mê loại mồi thuốc được người ta chế biến riêng cho nó. Nếu gặp mồi này, một ổ cá lăng có bao nhiêu con người câu cá có thể bắt không còn con nào. Bằng chứng là người ta câu được một con cá lăng, rồi lấy dao chặt cái đuôi, rồi lại thả cá xuống sông, lại tiếp tục móc mồi, thả câu xuống, trong chốc lác con cá lăng vừa bị chặt đuôi sẽ dính câu lần nữa. Loại mồi thuốc này chẳng có gì bí mật, nhưng trong nghề ít ai chỉ biểu vì sợ người khác bắt chước. Chất liệu gồm cá linh thái bỏ xương sống, thịt heo ba rọi xắt từng miếng bằng ngón tay cho vừa một miếng mồi. Cả hai thứ rửa sạch rồi ướp với cam thảo, ngũ vị hương, thêm chút đại hồi, tiểu hồi; tất cả để vô cái hũ bằng sành, đậy kín miệng lại độ chừng một tuần cho thuốc thắm vào cá linh và thịt, sau đó là đem làm mồi câu cá lăng được rồi .

Trong nghề câu cá có cái lạ gần như dị đoan mê tín là khi gặp ngư dân chuẩn bị xuồng ghe đi giăng câu hay giăng lưới, điều tối kỵ là đừng bao giờ hỏi người ta đi đâu. Thấy là biết người ta ra nghề, cứ để yên cho người ta đi , nếu hỏi mà thời xui bữa đó họ giăng không có cá thì mình sẽ bị đổ thừa là tại mình hỏi người ta lúc họ trên đường đi bủa câu giăng lưới. Chuyện khó tin nhưng trong nghề hạ bạc nó có thật. Chim trời cá nước nhưng người ta tin có bà cậu là vậy. Đặc biệt, người nào giăng câu lưới thường dính cá tôm nhiều, trong dân gian gọi họ là “có tay sát ca”ù. Sát cá còn có nghĩa bắt cá giỏi, bắt cá hay.

Trong nghề bắt cá còn nhiều từ ngữ khác có tính cách phổ quát mà ai cũng biết là đặt tên cho cá tôm, người ta căn cứ vào giống cá đã quen tên mà gọi, nhưng cũng có nhiều loại trông hình dáng hoặc đặc tính rất đặc biệt của nó mà kêu tên, riết rồi quen thành chữ dùng mỗi ngày như trên tôi có ghi. Ví như cá chốt cũng ba bốn loại : cá chốt giấy mình giẹp, vi mỏng như giấy, cá chốt sọc hai bên hông có sọc chạy dài, cá chốt chuột vì trên mình có lốm đốm đen vàng với miệng cá giống như chuột lắt. Lươn cũng có hai loại là lươn bông và lươn vàng.  Gọi như vậy người bình dân có ý để phân biệt rõ ngoài hình dáng, màu sắc còn nhằm chỉ nơi chốn các loài lươn này sinh sống. Lươn bông thì đa phần sống dưới ao, dưới mương nơi đất bùn lầy; lươn vàng thì sống trên đìa, trên đồng nơi có đất sét. Còn lịch là loài gần giống lươn nhưng khác với lươn về hình dáng và nơi sinh sống. Lịch không bao giờ có mặt trên đồng, chỉ  sống ở dưới sông nơi các bãi bùn thôi và lươn dài hơn lịch , cậy đuôi của lươn thì mỏng, thon vót trong khi cậy đuôi của lịch lại ngắn và to hơn.

Ngoài ra, loài cá rô cũng có hai loại cá rô: cá rô đồng và cá rô biển. Riêng cá rô đồng còn được phân biệt cá rô câu, cá rô lưới, cá rô sà di, cá rô tát đìa. Tức là tùy theo cách bắt cá mà gọi tên vì mỗi loại cá mắc mỗi dụng cụ câu, lưới, sà di  rồi từ đó mà biết cá lớn nhỏ có khác nhau. Cá rô câu cũng như cá rô tát đìa, cá rô đặt sà di thì lớn nhỏ pha trộn đủ loại; cá rô lưới thì tùy theo lưới thưa hay lưới dày mà cá rô cùng một cỡ với nhau, không xê xít mấy. Do vậy khi nói cá rô lưới là ý nói loại cá rô lớn bằng nhau như cá lựa vậy. 

Cá rô biển thật ra không phải vì cá rô ở biển mà loại cá này ở dưới sông thôi, vì để phân biệt với cá rô đồng thành ra gọi như vậy chứ cả hai giống cá rô này thường cũng có trên đồng vào mùa lụt và sống trong sông rạch nữa, nhứt là cá rô biển sống theo các đóng chà và các gốc cây dọc hai mé sông nhiều hơn.

Nhơn đây, cũng xin ghi lại cách phân biệt cá lớn cá nhỏ, người bắt cá cũng có cách riêng. Chẳng hạn cá lóc lớn thật là lớn người bình dân gọi là cá lóc cối hay còn gọi là cá lóc biết nói, ý nói cá sống lâu như khi lươn mà quá lớn người ta hay nói lươn muốn thành chồn. Cá rô biển nhỏ gọi là cá rô biển giăm vì nó nhỏ như các miếng giăm mà các thợ mộc đẽo cây cất nhà; còn cá rô biển lớn bằng bàn tay hay cái dĩa, người câu cá gọi cá rô biển bà, giống như ếch cái con thiệt là lớn cũng gọi là ếch bà, nhưng con cóc mà lớn thì gọi là cóc bịch. Cá rô đồng sống lâu năm mà lớn thì dân câu gọi là cá rô mề. Còn cá bổi là tiếng gọi chung những loại cá nhỏ, cá vụn thường dùng làm mắm, hoặc ủ làm nước mắm, do ở nhà quê chữ bổi gốc là những bùi nhùi, giăm bào, vật dụng nhỏ lụn vụn dùng để nhúm lửa trong bếp.

Riêng loài tôm cũng có tới ba bốn tên như tôm còn nhỏ thì gọi tôm lóng, tức là nó lớn cỡ đốt lóng tay; khi tôm cỡ ngón chưn cái trở lên hoặc gần có trứng hay gần có càng gọi tôm lứa; rồi khi vào mùa tôm có trứng thì gọi tôm trứng; khi tôm đực ra càng gọi tôm càng. Gọi tôm trứng và tôm càng cũng là cách phân biệt tôm cái và tôm đực. Riêng tôm càng cũng có tới ba loại : tôm càng xanh vì cặp càng lớn và có màu xanh, tôm càng lửa vì càng tương đối nhỏ hơn có màu đỏ và tôm càng nhím vì cặp càng nhỏ như lông con nhím.

Miệt dưới như Hỏa Lựu, Long Mỹ, Gò Quao, Vĩnh Thuận vùng Chương Thiện, Rạch Giá có loại cá da như da con ếch, bên ngoài lớp da đầy gai, nếu ai vô tình bắt loại cá này mà nắm mạnh tay, bàn tay sẽ bị các gai đăm nhức kêu trời hổng thấu, nên loại cá này được kêu tên là cá mang ếch vì da nó giống da con ếch. Ngoài ra, vì nó đăm sưng nhức quá, cúng ba con gà cũng không hết nhức nên trong bình dân còn gọi loài cá này cái tên khác nữa là “cá ba gà”ø.

Từ các dụng cụ ngoài câu lưới, đăng bửng, người sống bằng nghề hạ bạc còn chế biến ra nhiều vật dụng để bắt cá tôm như bắt lươn có ống trúm, độn mô, đăm lươn bằng chỉa, nhưng bắt lịch chỉ có cách duy nhất là móc lịch chứ không có đặt trúm hay câu lịch . Bắt cá chạch ngoài lọp còn có bàn cào, xúc lùm; bắt cá kèo có bôn; bắt cá rô biển có đặt rù, đặt bộng, đặt lu; bắt cá chốt ngoài câu còn có nhảy hùm, nhảy xộn; bắt cá nhái ngoài kéo lưới còn  dùng chỉa xà di; bắt cá lóc ngoài câu lọp còn có ngồi tum đăm cá với chỉa xà búp ; bắt cá sặt thì chỉ đặt lờ vì cá này không ăn câu nên không ai câu cá sặt; bắt cá linh ngoài lưới còn có vó cất ở rạch nhỏ, vó gạt ở sông lớn, rồi chài vải, chài rê, đóng đáy...và còn nhiều tên gọi khác nữa không kể xiết.

Tóm lại, là những từ ngữ  này nghe rất quen nhưng nó đều có những nguồn gốc rất gần với giới bình dân ít học tự họ nghĩ ra và đặt tên. Điều đó cho thấy chính giới ít biết chữ này đã cung cấp cho kho tàng từ ngữ Việt thêm phong phú biết chừng nào ! Các nhà nghiên cứu về chữ dùng, đặc biệt các nhà soạn từ điển, nếu không muốn bị thiếu sót, thiết nghĩ quý vị không thể không dò hỏi thêm những người ít học mà chuyên sống với các nghề riêng của họ. Có đến gần người bình dân, dân dã ở thôn quê, quí vị mới thấy chữ dùng hằng ngày không chỉ được chế biến từ trong giới chữ nghĩa mà phần lớn xuất phát từ giới bình dân ít học nữa !!!

Lương Thư Trung

nguồn: từ Đặng Tiến