Nguyễn Đình Phượng Uyển

Thuốc Cổ Truyền

 

Top 6 ấm sắc thuốc tốt nhất bạn không nên bỏ qua - VietReview.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

         Xưa, mỗi lần mấy anh em đau ốm, mẹ thường đè ra bôi dầu, cạo gió. Hễ trúng gió thật, mẹ có cạo nhẹ tay, đầu cổ , lưng gáy vẫn đỏ chót, cạo đến đâu, người ngợm dễ chịu đến đó. Không trúng gió, cạo sẽ thấy đau, quằn quại.

Hồi học lớp Một, bị bệnh gì mà tôi sốt cao, máu mũi đổ ra cả đống, trường phải gọi người nhà đón tôi về sớm. Lựa lúc tôi thiêm thiếp ngủ trong cơn sốt, bà ngoại qua phòng, trở mình tôi khe khẽ, rón rén bôi dầu, cạo gió trên lưng, cố không để tôi thức giấc. Bé tí thế mà tôi vẫn nhớ, sao không thức giấc được, con biết nhưng tay bà cạo êm quá, gió chắc ra nhiều lắm nên con thấy nhẹ người, cứ nhắm mắt cho ngoại muốn làm gì thì làm. Sau ngoại bảo lưng tôi đỏ như máu. 

Trong nhà, bố là người thích cạo gió nhất. Đau bụng cũng cạo. Nhức lưng cũng cạo. Cảm cúm thì khỏi nói. Nhớ, vì người cạo gió cho bố là tôi, đấm lưng , giẫm lưng cho bố cũng tôi nốt. Nếu bố bịnh nặng, mẹ sẽ nấu một nồi lá xông cho ông. Thắc mắc không biết bố làm gì lọc cọc trong cái chăn trùm kín, tôi cũng bắt chước chui vào thử. Mẹ dặn coi chừng bỏng vì trong chăn tối hù, phải phủ chăn kín mít mới đúng bài, mở vung nồi nước nóng từ từ để khói nhả ra, lấy đũa trộn lá xông lên…Tôi chỉ chui vào chăn được hai phút là ngộp thở, tưởng có thể chết trong đó vì khói tuôn mù mịt.

Thời nghèo đói, bệnh chịu chết, làm gì có chuyện đi bác sĩ bác sùng, bài thuốc cổ truyền cạo gió, hái lá Sả, lá Chanh, Khuynh Diệp quanh xóm về nấu nồi nước xông, được cả nhà trưng dụng, trị bệnh hiệu quả ra phết !

Đến khi có con, mỗi lần tắm em xong, mẹ dặn phải bôi dầu Khuynh Diệp, chỗ thóp trên đầu, gan bàn chân, rốn ..của em, tất cả đều qua một lần vải, nón hay bít tất, không bôi trực tiếp lên da thịt trẻ sơ sinh.

Con nhớn một tị, bị muỗi cắn, kẹp tay… quen bài thuốc cổ truyền, tôi lại lấy dầu bôi vào chỗ đau cho con, chúng nó sổ mũi nóng sốt, mẹ sẽ đè ra cạo gió trên lưng, trên gáy như bà ngoại đã làm. Đỡ một nỗi, trẻ con nhà này không phản đối, cự cãi eo xèo khi mẹ bôi dầu , cạo gió. Mình hiểu, khi nó đau là không có gió, cạo chi cho mệt cả mẹ lẫn con.

Nhiều bà mẹ áp dụng bài thuốc cổ truyền kỹ quá, trẻ còn ẵm trên tay mà bà đè ra cạo lấy cạo để, đứa nhỏ khóc ngằn ngặt, bà giữ chân giữ tay, ghì chặt đứa bé để bà thao tác cho đến khi gió ra bầm đen bầm đỏ mới thôi. Cứ như hành xác đứa nhỏ.

&

Qua đến xứ sở người ta, y tế miễn phí nhưng đâu phải lúc nào cũng tiện ghé ngang phòng mạch, rồi chờ đợi, chung đụng với bệnh nhân khác, chưa kể con sốt con ho, đâu dễ vác chúng nó ra ngoài, mẹ thường đem bài thuốc cạo gió ra áp dụng. Một số phụ huynh nghe kể, bảo ở Úc làm gì có gió mà bà làm thế (???) Hình như đất Úc trống trải, người thưa, sa mạc…gió linh đình hơn Việt Nam mới phải.

Có hôm con bảo, bạn trong trường bị con gì cắn sưng chù vù, vội tìm đến chị xin miếng dầu xanh bôi vào. Tôi hỏi sao nó biết con có dầu xanh, chị cười hệch hạc, lúc nào con cũng đem trong cặp, nhức đầu, sổ mũi quẹt tí là yên, bầm tay bầm chân, trầy xước, u đầu sứt trán…dầu xanh chữa được hết. Tôi ngạc nhiên vì nghe nói tụi Tây không chịu được mùi dầu nóng của người châu Á, họ gớm nên bản thân tôi chỉ dám dùng dầu xanh lúc ở nhà, ra đường phải lau chùi sao cho hết mùi mới yên tâm.

Con tôi qua đây từ bé, tưởng nó cũng gớm mùi dầu hay ít ra cũng biết ý tụi Tây, không ngờ nó nhướng mắt, vênh váo, họ ghét kệ họ, con thích mùi dầu xanh. Đó, giờ bạn con cũng ghiền dầu xanh giống con kìa.

Con tôi, Việt Nam dữ !

&

“Mẹ ơi, con bệnh.”

Thời buổi này mà bệnh là to chuyện. Tôi bảo con đi xét nghiệm Covid.

“ Hôm qua con không mặc đủ ấm nên cảm lạnh. Không phải Covid đâu. Trust me.”

Lâu lắm rồi, sáu bảy năm có, chả nghe con bé than bệnh hoạn. Hôm nay lên tiếng chắc là ốm nặng.

“ Để mẹ cạo gió nha.”

“ Chị Su cạo cho con rồi.”

Trời, ngạc nhiên quá, bao lâu mà chúng nó vẫn nhớ bài thuốc cổ truyền, tự động đem ra xài với nhau không cần mẹ nhắc, nghĩa là nó biết cách trị này hiệu nghiệm và thích dùng.

“ Đỡ chưa?”

“ Con còn nhức đầu, còn ho.”

“ Mẹ nấu nước xông há?” Tôi ướm lời, mắt dò hỏi.

Chị gật gù “ Con phải hái lá nào? Hái bao nhiêu thì đủ ? Mẹ chỉ con đi.”

Nó đồng ý làm mình càng ngạc nhiên. Đố ai xui được trẻ bên này chui vào cái chăn nóng hổi để chữa bệnh. Còn lâu nó mới tin.

Gì chứ lá xông ở Úc thì cơ man. Xứ sở Koala mà. Bạch Đàn hay còn gọi là Gum Tree, còn tôi gọi là cây Khuynh Diệp, mọc khắp nơi khắp chốn, đủ họ, đủ giống, muôn hình vạn trạng.

Chỉ cần bước ra trước cửa năm phút, con nhỏ đã cắt về một rổ lá Khuynh Diệp, Tràm Bông Đỏ, tôi ngắt thêm mấy lá Chanh và ít Sả trong vườn, dư xài.

Nước sôi ùng ục, mùi tinh dầu lan tỏa khắp nhà. Con bé để một miếng thảm lót ngồi đưới đất, đặt nồi nước xông trước mặt, bật đèn pin, một đôi đũa cầm tay chuẩn bị chiến đấu, y chang như ông ngoại ngày xưa rồi nhờ mẹ phủ hai lớp chăn trên đầu, bắt đầu lịch kịch loong coong trong đó.

Cội nguồn, gốc gác mọc từ cái đống chăn lù lù giữa nhà và từ cái nồi nước nồng mùi Sả, mùi dầu Khuynh Diệp kia chứ ở đâu xa.

 

Nguyễn Đình Phượng Uyển

16/11/20