ĐOÀN  PHUƠNG

HÃY TRẢ LẠI VĂN THI TÀI KHI HỌ CÒN ĐANG SỨC VIẾT

phần 2:

HỠI MƯA PHÙN QUÊ MẸ BẠC ĐẦU CON

 
nt Trần Mạnh Hảo

 

Viết về Trần Mạnh Hảo, bởi tôi tình cờ đọc được một số bài thơ tuyệt đỉnh của ông. Chỉ thế thôi, cũng đủ nói lên ông là văn nghệ sĩ đích thực, tác phẩm của ông xứng tầm Giai Phẩm, xứng đáng được vinh danh trong nền văn học đương đại của đất nước. Nhưng tôi thực sự bất ngờ, ông còn vô số những công trình hữu ích và sắc sảo thuộc lĩnh vực tùy bút, lý luận phê bình văn học và ngôn ngữ học.


Tác phẩm văn xuôi của Trần Mạnh Hảo quả là một gia tài đồ sộ và cuốn hút với nhiều tùy bút in trên báo và luận văn tập hợp thành 5 đầu sách mang tính lý luận cao như THƠ PHẢN THƠ, PHÊ BÌNH PHẢN PHÊ BÌNH, VĂN HỌC: PHÊ BÌNH NHẬN DIỆN, NHỮNG VÌ SAO VĂN HỌC, PHÊ BÌNH VÀ TRANH LUẬN.

Hãy nói về tùy bút. Có thể ví tùy bút Trần Mạnh Hảo như một dòng sông, cuồn cuộn chảy, sóng là cảm xúc dạt dào, phù sa là tình yêu thương thiết tha, sâu thẳm trong tâm hồn ông. Tôi vừa được đọc ba tùy bút đặc sắc của ông: LÀNG ƠI, ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ, MỘT CHÚT TUỔI THƠ TÔI. Với ba tùy bút đó thôi, có thể cảm nhận một tâm hồn nhân hậu, tinh tế, sâu sắc. Ông yêu thương gia đình, xóm làng, quê hương, đất nước mình biết bao!


Tình yêu đó thường gắn với nỗi buồn, hoài niệm, đau đáu nhớ nhung. Ở đó, có một làng quê xa xăm vời vợi, nơi ngót năm mươi năm trước, có một chàng trai "tạm biệt làng quê yêu dấu... đi về phía dãy Trường Sơn khói lửa mà mắt rưng rưng thầm hẹn nếu sống qua cuộc chiến tranh, nhất định về làng sinh sống." Thế mà đời bể dâu đưa ông xa mãi làng quê của mình. Để mỗi đêm trường không ngủ, ông nhớ làng da diết. Nhớ làng, ông như con nghé ọ ngơ ngác, hối hả tìm hơi hướng thân thuộc của mẹ quê: "Giờ đây, tóc đã hoa râm, giữa Sài Gòn ồn ào phố xá, bụi bặm khói xe, tâm hồn tôi khác nào con nghé ọ, đêm đêm phóng về phía làng tìm trâu mẹ…"


Trong tùy bút LÀNG ƠI , không biết bao nhiêu lần ông đau đáu gọi "Làng ơi". Làng ơi, ông "gọi thầm mái rạ vàng nâu". Làng ơi, ông "thương cây lúa khi xanh non đứng chôn chân giữa đồng hoài thai hạt thóc". Làng ơi, ông "thầm gọi bờ tre ken dày như trường thành mấy nghìn năm bảo vệ hồn nước, giữ gìn một câu ca dao, một giọng hát ru, một làn chèo… Những hàng tre kẽo kà kẽo kẹt nhịp võng đưa trưa hè không phân biệt được đâu là cánh cò đâu là chấm nắng". Làng ơi, ông "gọi mùa thu gió heo may màu chim ngói". Làng ơi, ông " thầm gọi tên con cún con" của tuổi thơ ông. Làng ơi, ông " thương những con đường trốn tìm dung dăng bươm bướm, nghe chuồn chuồn bay thấp kéo cơn mưa…"

Như tiếng kêu khản đặc của con cuốc giữa trời, nỗi nhớ quê của người con tha hương cứ rơi trong đêm thinh lặng, ông "càng gọi "Làng ơi" thì quê mẹ càng xa thẳm, càng khuất nẻo chân trời". Làng ơi, nhưng "số phận chỉ dành cho mình lối đi mà không để ngỏ một lối quay về". Làng ơi, xin "giữ lại vầng trăng, giữ lại thời hoa bướm, giữ lại một phần tâm hồn tôi ở phía cội nguồn, để tôi còn có nơi nhớ thương; cũng như tôi vẫn còn có mẹ dù mẹ đã nằm trên cánh đồng làng để con nhớ mình bao giờ cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của mẹ-quê-hương..." (LÀNG ƠI)


Khi đến với thơ văn Trần Mạnh Hảo, tôi chỉ biết Trần Mạnh Hảo là một người đàn ông từng trải, cứng cỏi, mạnh mẽ, tóc đã hoa râm. Ấy vậy mà ông có rất nhiều thơ văn viết về Mẹ. Ai đã đọc ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ thì thấy ông như con nghé ọ, như đứa trẻ bé tiu tiu. Đứa trẻ bé tiu tiu ấy ai ngờ rất giàu nội tâm, hằng dõi theo bóng dáng mẹ, hiểu hết nỗi vất vả và tình yêu của mẹ:


" Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực.
Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn.
Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm tôi mới có cây bút máy Hồng Hà…

Tôi thương nhớ màu phù sa quánh phèn sơn trên móng chân, móng tay mẹ từ thuở còn thiếu nữ cho đến lúc về với đất"

Đứa trẻ bé tiu tiu ấy thường lặng im ngắm mẹ: " Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận… Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ". Đối với cậu bé, mẹ là của riêng cậu, là cuộc đời của cậu: " Mẹ chỉ là mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và tinh thần người nuôi tôi mãi mãi…''



Cảm động và dễ thương nhất là câu chuyện cậu bé tiu tiu cứu mẹ: "Quê tôi gần biển và sông ngòi bao quanh, 9 tuổi đầu đi chăn trâu, sương mù tháng ba che phủ hết, tôi ngoái lại phía sau lưng, thấy làng mình chìm ngập trong khói, sợ quá tưởng cả làng bị cháy, khói bốc lên ngập trời; tôi bỏ trâu trên đê, chạy về nhà cứu mẹ, vừa chạy vừa khóc.

Về tới nhà, thấy mẹ đang chạy ra ngõ tìm tôi bảo : "Sương mù đấy, không phải cháy nhà đâu con trai!". Tôi mừng quá, ôm mẹ khóc oà, khóc xong sướng quá, cứ muốn mình bé mãi, bé đến muôn đời; nhưng tôi phải buông mẹ ra mà đi tìm con trâu đang gặm vạt sương mù thăm thẳm ấy ". ( MỘT CHÚT TUỔI THƠ TÔI)

Chao ôi, người nghệ sĩ đó, có ai ngờ tuổi thơ của Người là những chuỗi ngày cơ cực, kỳ lạ, mà thế hệ sinh sau đẻ muộn như tôi và thế hệ sau nữa, sẽ không tưởng tượng nổi. Ra đời trong tiếng súng, tiếng bom gào thét trên đầu, lớn lên trong đói rét triền miên, dưới đất dây thừng đe dọa, oan khiên rình rập. Bố đi tù, mẹ cậu và đàn con co ro, dúm dó vào nhau trên ổ rơm cho đỡ rét, đỡ sợ. Cậu bé ngây thơ từng nhầm lẫn phân dê với thuốc tễ. Cậu thèm được ăn no, ao ước được bắt chấy rận cho người để kiếm từng lon gạo… Thật là dễ thương mà chẳng biết nên khóc hay nên cười: Miếng cơm, manh áo rượt đuổi tàn nhẫn vào tận những giấc mơ hồn nhiên, ngây thơ đến xót xa của cậu bé tiu tiu.

Nhà văn viết: "BẢN THÂN TUỔI THƠ của mỗi chúng ta dù phải sống trong chiến tranh, trong tù ngục, trong đói và rét, trong sợ hãi và buồn đau vẫn cứ là tuổi thơ đẹp, là vườn địa đàng dưới thế". ( MỘT CHÚT TUỔI THƠ TÔI )



Vì sao tuổi thơ dữ dội, u ám như một vầng mây xám che đầu lại đẹp đến thế? Tôi tin rằng tuổi thơ của bất kỳ ai cũng rất đẹp nếu chúng ta có một người mẹ hiền. Với Trần Mạnh Hảo cũng thế. Người mẹ mãi mãi dõi theo ông đến suốt cuộc đời. Dù mẹ không còn, nhưng mẹ vẫn hiện hữu. Mẹ hóa thân thành thiên nhiên, đất trời, quê hương, xứ sở:


" Bây giờ mẹ thở bằng nhịp triều lên xuống của con sông chảy qua làng, toả kênh mương mà nối với nơi mẹ nằm. Cua cáy lại đến nhờ nấm đất mẹ mà trú ngụ. Ngày xưa còn trẻ, suốt ngày mẹ ở ngoài đồng, ngoài bãi, ngoài sông tìm cái sống dưới bùn đất nuôi chúng tôi. Giờ nằm xuống, mẹ lại ở ngoài đồng cả đêm ngày, ở mãi mãi, chung nhà với cua cáy, cá tôm…
Mẹ tôi đã hóa phù sa, hóa mưa phùn, hóa bếp lửa, hóa ngồng cải vàng hoa lấm tấm bướm, hóa gió xuân ưng ửng cành đào, hóa thăm thẳm mù tăm…"
( ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ )

Thế đó, tâm tình của Trần Mạnh Hảo rạt rào như con nước chảy xiết của dòng sông. Quê hương của nhà văn cũng như bao làng quê khác của đồng bằng Bắc bộ, nhưng dưới ngòi bút của ông, quê hương Nam Định hiện lên một bản sắc, một linh hồn riêng. Người mẹ của ông có một ấm áp, dịu dàng riêng biệt. Tất cả hòa quyện làm một trong tuổi thơ ông, hiện lên rõ mồn một như những thước phim sống động. Điều lạ lùng là nó khiến tôi cảm thấy yêu một quê hương tôi chưa từng đến và nhớ một người mẹ giống mẹ tôi, cơ cực, buồn rầu và nhẫn nại như thế!


Người viết nên những tản văn nồng nàn như thơ, đẹp như tranh ấy nhất định không chỉ là một tài năng mà còn phải có một trái tim nhân hậu, giàu có, thẳm sâu!


Nhưng hãy cám ơn những kỷ niệm đẹp mà buồn ấy, vì chính cuộc đời nhiều gian truân, thơ mộng ấy đã làm nên một Trần Mạnh Hảo văn thi nhân của tôi, của chúng ta! Giá như các em học sinh của tôi được đọc và học những bức tranh thơ văn ấy!

Tại sao ông không có tên trong sách giáo khoa? Vì ông không yêu quê hương đất nước? Vì ông có sức khơi dậy những tình cảm, cảm xúc nhân văn? Vì ông có thể thu hút sự đồng cảm của hàng triệu con tim? Hay vì ông đã chạm vào những sự thật nào đó một cách công bằng, chân thành, không khách sáo???
Dù bất cứ lý do gì, để đất nước tổn thất một nhân tài, đó là đố kỵ, là sai lầm và tội ác!


Doan Phuong

nguồn: nhận từ tác giả