ý kiến của các tác gỉa: võ kỳ điền, bình nguyên lc, trùng dương, phan thị trọng tuyến, trần thị ngh, nguyễn thị thanh bình, nguyễn xuân quang, hoàng nga, thảo trường, song thao, lê minh hà, kim lefrèvre, khánh trường, tâm thanh, lệ hằng, trần diệu hằng, lê thị thấm vân, trần hoài thư, nguyễn ý thuần, phạm quốc bảo, bùi bích hà, hoàng chính, dương kiền, đinh phụng tiến, hoàng liên, hồ đình nghiêm, nguyễn mng giác, thanh nam, dương thu hương, trần long hồ, trần thị kim lan, trần doãn nho, nguyễn thụy long, hà thúc sinh, lê thị huệ, trần vũ, ngự thuyết, miêng, lâm chương, mai ninh, nguyễn đông ngạc, bà tùng long, võ hồng, nguyễn thị vinh, sơn nam, phan du, nguyễn huy thiệp,hồ anh thái, vũ tú nam, nguyễn khắc trường, nguyễn ngọc thuần, nguyễn việt hà, nguyễn nhật ánh, lê lựu, nguyễn thị thu huệ, ...

 

Nguyễn Việt Hà
trả lời Thu Hương (VNEXpress 23-01-02)

Thường người ta hay viết những cái gần giống mình. Những nhân vật đó có sự buồn chán, có sự khát khao của tôi, nhưng không hẳn là tôi. Tôi và nhân vật của tôi thích uống rượu, uống rượu giỏi nhưng không nát rượu. Khi con người, đặc biệt là khi trí thức buồn chán thì họ phải làm một cái gì đó để giải chán như yêu đương, uống rượu hay tồi tệ hơn là cờ bạc. Nhân vật của tôi chọn rượu vì có thể nó hợp với họ.

Một trong những phẩm chất của người trí thức là rất nhạy cảm và có khả năng đối thoại với im lặng, đối mặt với sự cô đơn. Bản chất của nhân vật Hoàng trong Cơ hội của Chúa là trong trắng, nhưng khi anh ta phải đối diện với cuộc đời nhiều hoen ố và tệ bạc thì bị ăn đòn. Tuy nhiên, trong cuộc đời, tôi luôn khát khao tới sự trong trẻo

......Tôi không để ý lắm tới cốt truyện, nhân vật sống và làm việc như thế nào, mà chỉ quan tâm tới vấn đề tại sao họ lại sống như vậy.

......Quan trọng đối với nhà văn là quyền được nghĩ chứ không phải là được viết. Khi đã nghĩ ra được thì viết cũng nhanh thôi.

 

Nhà văn Nguyễn Nhật ánh
(theo báo Người Lao động)

....Từ hồi còn học cấp 2, tôi đã yêu thích văn thơ, cùng bạn bè thành lập bút nhóm để hoạt động sáng tác. Thời gian khoác áo thanh niên xung phong, ở lứa tuổi có đầy lý tưởng, hoài bão và lãng mạn, tôi viết rất hăng, nhưng chỉ làm thơ. Đến khi đi dạy học, gần gũi các em, hàng ngày chứng kiến những chuyện vui buồn, một số đồng nghiệp khuyến khích, động viên, tôi thử viết về đề tài thiếu nhi, không ngờ theo thành nghiệp cho đến bây giờ. Cuốn sách đầu tay của tôi là tập truyện Cú phạt đền và truyện dài Trước vòng chung kết. Càng viết tôi càng thấy thích, say mê đề tài này và phát hiện ra đứa trẻ con đang lẩn khuất trong mình.

....Có lẽ nhà văn nào cũng vậy, đã đi vào con đường hoạt động nghệ thuật, không thể không có lúc nghĩ đến chữ danh. Nhưng cái danh đó phải được xây dựng trên hiệu quả công việc và sự đóng góp cho xã hội thì mới bền vững. Ngồi vào bàn viết mà cứ loay hoay nghĩ rằng viết về đề tài này sang hơn, đề tài kia không được đánh giá cao thì khó mà viết được gì. Tôi thích một câu nói: Lợi và danh đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, đến sau sáng tác mới là hợp quy luật. Còn về chuyện các sáng tác cho trẻ em không được ưu đãi có thể là có thật ở nước ta, nhưng tôi chẳng bị ám ảnh gì về chuyện đó. Tôi chỉ mặc cảm khi nào mình viết sách cho trẻ em nhưng chúng không thèm đọc.

...Tôi viết cho các em, chủ yếu chỉ tâm niệm một điều: Cố viết sao cho trẻ em khen hay và phụ huynh khen tốt. Còn chất lượng văn chương, tôi cho rằng chẳng liên quan gì ở đây, vì tôi tin nhà văn nào khi ngồi vào bàn cũng ráng hết sức bình sinh để viết cho hay, đó là khát vọng sáng tạo, là nhu cầu nội tại, còn hay hoặc không hay, hoặc hay tới đâu, chất lượng văn chương đạt tới mức nào, điều đó tùy thuộc vào tài năng của mỗi người, có khi tùy thuộc vào phong độ của từng thời kỳ.

 

(theo báo Văn Hóa)

....Tôi chỉ biết làm việc đều đặn. Cứ ngồi vào bàn viết rồi ý tưởng sẽ phát sinh. Tôi tin kỷ luật lao động sẽ giúp người viết làm chủ được cảm hứng. Còn viết truyện cho thiếu nhi hay sáng tác cho người lớn, tôi nghĩ điều đó tuỳ thuộc vào tạng của mỗi người. Hình như tôi chỉ viết được những cái gì trong sáng, nhẹ nhàng... mà không đủ bình tĩnh để viết về những cái dữ dội, những mảng tối của cuộc đời.

 

Nhà văn Lê Lựu
(theo Nông Thôn Ngày Nay)

...Nhiều tác phẩm nhà văn phải khổ công tìm tòi sáng tạo nhưng khi in ra thì độc giả lại thờ ơ, lạnh nhạt. Thế là các nhà văn quay ra viết những gì độc giả thích, chiều lòng thị hiếu nghĩa là nhà văn đã mất cái bản lĩnh chân chính, cái tài giời cho mình rồi. Nói thật ra thì chúng tôi đã già và cũng hơi hèn nữa nên khó viết, văn khó hay. Mà thế nào là hay mới được chứ. Cái hay cái đúng của một thời đã trở thành không hay và bị quên lãng thời bây giờ.Tôi vẫn đang viết và viết sắp xong một cuốn tiểu thuyết mới về cái làng nhỏ không yên bình quê tôi.

Chưa bao giờ các nhà văn của chúng ta sống được bằng nhuận bút. Viết mà người ta chịu in cho mà mình không phải bỏ tiền vào đó là may mắn rồi. Thường thì tôi phải xuất tiền túi ra mua thêm sách của chính mình để tặng bạn bè làm kỷ niệm. Bây giờ chỉ có Chu Lai và Nguyễn Khắc Phục là sống được bằng nhuận bút thôi. Số đông còn lại phải hành nghề viết báo kiếm cơm. Tôi không viết báo được vì sự nhạy cảm của tôi hơi kém. Tôi chơi với dân doanh nghiệp thấy dễ thở hơn nhiều: họ không hiểu lắm về chuyện tôi viết cái gì nhưng họ thương tôi nghèo mà vẫn hì hụi viết lách như một gã khờ nên đi đâu cũng gọi tôi đi theo. Viết văn cũng như hôi cá làng là thế

 

(theo Thể Thao Văn Hóa):

Tiểu thuyết Việt Nam suy giảm, theo anh, nguyên nhân là từ đâu?

- Đầu tiên là người viết già, vốn liếng cũ, nói được nhiều điều nhưng tốc độ chậm không đúng với nhịp sống quay đến chóng mặt hiện nay. Họ chỉ mê mải với một thông tin là quá khứ, ấn tượng của quá khứ. Lớp người này từ 50 tuổi trở lên.

- Anh nghĩ gì về các nhà văn trẻ viết tiểu thuyết?

- Người viết trẻ tiếp cận đời sống nhanh, quan hệ giao lưu rộng, phóng khoáng, nhiều thông tin. Họ dễ bắt nhập với cái mới, đồng hành được với người đọc. Nhưng khuyết điểm lại chính là do nhanh quá. Nhanh đến mức làm trơn chuội tất cả mọi thứ: ấn tượng, nhân vật, tính cách, không khí xã hội và kể cả những chi tiết nhỏ để làm nên nhà văn lớn cũng không có dấu ấn riêng biệt của người viết. Đọc các nhà văn trẻ hiện nay, người ta không thấy có sự dừng lại, đọng lại những gì da diết, khắc khoải. Phần khác do họ quá thông minh, quá hiểu biết trên mọi lĩnh vực, nên cái gì cũng như là biết rồi để không tìm hiểu, khám phá và không đủ kiên nhẫn để truy tìm tận gốc những nguyên nhân tạo nên quan niệm, tính cách của nhân vật. Cũng chính vì hiểu biết quá nhiều nên không nhất nghệ tinh như các cụ đã dạy. Một điều cũng đáng lưu ý, là ngày xưa ông bà cha mẹ chúng ta rất trân trọng nghề cầm bút, còn bây giờ, kể cả thế hệ đàn anh và bản thân tôi coi văn như một nghề chơi, đùa giỡn, bỡn cợt, đôi khi sàm sỡ với việc viết và in, sàm sỡ hội thảo, đàm luận, sàm sỡ tâng bốc nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt trong hoàn cảnh đời sống hiện nay, mục tiêu viết để kiếm sống cũng không phải không có.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
trả lời VNExpress, 22-6-2002

...Tôi luôn cảm nhận cuộc sống từ bề chìm của nó, tức là luôn khám phá đằng sau mỗi con người, mỗi số phận cuộc sống nội tâm của họ. Trong khi tìm tòi, tôi chỉ có một cách chia sẻ duy nhất là viết, bởi văn chương đối với tôi là người bạn chung thuỷ có thể chia sẻ với mình nhiều điều

....Tôi cho rằng làm bất cứ nghề gì cũng cần phải có tài, dù là ít. Riêng với những người làm nghệ thuật thì yếu tố tài năng rất cần thiết. Bên cạnh đó một thứ bắt buộc phải có là kiến thức trang bị về nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, có tài mà không có học thì đến một lúc nào đó cũng sẽ hết tài, hoặc những sản phẩm tinh thần của họ sẽ chỉ là sự lấp lánh của bản năng mà thôi. Tài năng cần được nuôi dưỡng bởi kiến thức học hỏi và kinh nghiệm cuộc sống.

...Với tôi, điều hạnh phúc nhất là khi mình viết ra một tác phẩm và nó đến được với người đọc, rồi được chấp nhận

 

Xin bấm vào đây để xem tiếp